Nông thôn mới – điểm nhấn của Sơn Tây sau 15 năm về Hà Nội

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáp nhập về TP Hà Nội sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, thị xã Sơn Tây đã có những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Trong đó kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Điểm sáng nông thôn mới ở Sơn Tây

Đối với thị xã Sơn Tây, Chương trình “xây dựng nông thôn là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Với quan điểm đó, ngay từ đầu năm 2023, Ban chỉ đạo Chương trình 09-CTr/TU ngày 21/12/2020 của Thị ủy Sơn Tây về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thị xã Sơn Tây giai đoạn 2021 - 2025” đã tập trung chỉ đạo UBND thị xã giao các phòng, ban, đơn vị và UBND 6 xã rà soát, đánh giá kỹ từng tiêu chí, xác định rõ nội dung, lý do tiêu chí chưa đạt, giải pháp khắc phục; rà soát danh mục các dự án, công trình cần phải đầu tư theo thứ tự ưu tiên để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu chưa đạt trên địa bàn từng xã.

Các xã tập trung duy trì, phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện hơn nữa chất lượng đời sống người dân như: mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật; các trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi CP, Jafa, Phú Gia, Dabaco…,  xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ sâm bố chính, cây dược liệu.

Đồng thời thị xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.

Hiện các xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây đang nỗ lực “cán đích”, hoàn thiện những tiêu chí theo quy định góp phần từng bước xây dựng các vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống cả về vật chất lẫn tinh thần, từ đó xây dựng địa phương ngày một đổi mới, phát triển toàn diện. 

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu triển khai thực hiện tiêu chí chưa đạt; tiếp tục quan tâm đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã Xuân Sơn và Cổ Đông đạt nông thôn mới nâng cao, xã Kim Sơn về đích nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng kế hoạch đề ra.

Những điển hình tiêu biểu

Nói đến những địa phương có thành tích tốt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Sơn Tây, không thể không nhắc đến hai xã Kim Sơn và Xuân Sơn. Những năm qua, cả hệ thống chính trị xã Xuân Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, cùng nhau hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Tại thôn Lễ Khê, trong quá trình thực hiện các dự án giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, Nhân dân trong thôn đã tích cực tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 400m2 đất ở, đất vườn để mở rộng đường, di chuyển cột điện, đặt đường ống cấp nước sạch thực hiện các dự án giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…

Nhờ đó, đến nay, giao thông của thôn trở nên khang trang hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Hay như tại tại thôn Xóm Chằm, hiện 100% tuyến đường khu dân cư và giao thông nội đồng đều được bê tông hóa, thảm nhựa.

Trong quá trình thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp đường khu dân cư, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã hiến đất vườn, đất ở, với tổng diện tích hơn 500m2. Một số hộ tự nguyện dỡ tường bao dài hàng trăm mét, lùi vào sâu từ 50cm đến 70cm để mở rộng đường; hoặc hiến đất phía trong tường bao để đặt hơn 30 cột điện chiếu sáng đường ngõ, xóm.

Đến nay, 100% đường trục, đường liên thôn của xã Xuân Sơn dài 26,45km đã được bê tông hóa; hơn 90% tuyến đường có rãnh thoát nước, được trồng cây bóng mát và hoa ven đường, tạo cảnh quan sạch đẹp.

Các mô hình bảo vệ môi trường, như: đường tự quản của phụ nữ, thanh niên, nông dân được duy trì; hơn 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn...

 

Xã Xuân Sơn hiện đạt tổng điểm  81,55/100 điểm; có 6/19 tiêu chí đạt; 6/19 tiêu chí cơ bản đạt; 7/19 tiêu chí chưa đạt. Đối với xã Cổ Đông đạt tổng điểm 83,3/100 điểm; có 8/19 tiêu chí đạt; 5/19 tiêu chí cơ bản đạt; 6/19 tiêu chí chưa đạt. Về tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Kim Sơn hoàn hành 1 trong 8 lĩnh vực, trong đó có 3/8 lĩnh vực đạt (Y tế, du lịch, chuyển đổi số); 5/8 lĩnh vực chưa đạt (môi trường, sản xuất, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo). Vì vậy, hiện nay thị xã Sơn Tây đang tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã Xuân Sơn và xã Cổ Đông đạt nông thôn mới nâng cao, xã Kim Sơn đạt nông thôn kiểu mẫu trong năm 2023.

Tính đến tháng 11/2023, thu nhập bình quân chung của toàn xã đạt 69,62 triệu đồng/người/năm, xã chỉ còn 11 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều (chiếm tỷ lệ 0,5% số hộ dân).

Đối với xã Kim Sơn, ngay sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, cả hệ thống chính trị xã Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, cùng nhau nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.

Xã xác định tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở tiến tới nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Nhiều hạng mục giao thông quan trọng đã được triển khai như: xây dựng hệ thống thoát nước trên các trục đường liên thôn, liên xã; thực hiện chỉnh trang, nâng cấp một số tuyến đường chạy qua địa phương, trong đó có đường Tỉnh lộ 416.

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, thôn, liên thôn đều được bê tông hóa, nhựa hóa. Hệ thống hạ tầng: điện-đường - trường - trạm của Kim Sơn đã được đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ. Đặc biệt, Kim Sơn đã đầu tư nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa ở địa phương; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm…

Hiện tại, Kim Sơn có nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như: nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sữa, gà, lợn, trồng thảo dược, cây ăn quả… Trong đó phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn với sản phẩm đặc trưng là “Mật ong Kim Sơn - Sơn Tây”. Hiện hợp tác xã có gần 40 hộ nuôi khoảng 2.000 đàn ong, cho sản lượng hơn 35.000 lít mật/năm.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế của địa phương có thôn Lòng Hồ được công nhận là điểm du lịch của TP Hà Nội, xã Kim Sơn đã tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Đến nay hai chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là thu nhập bình quân chung và mô hình thôn thông minh cùng 5 lĩnh vực tự chọn (an ninh trật tự, y tế, văn hóa, du lịch, chuyển đổi số) xã đều đã hoàn thành.

Ông Ngô Đình Ngũ - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, tính đến nay, 6/6 xã của thị xã Sơn Tây đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao là: Kim Sơn và Thanh Mỹ. Năm 2023, thị xã phấn đấu có thêm 2 xã Xuân Sơn và Cổ Đông đạt nông thôn mới nâng cao; xã Kim Sơn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" Thị ủy Sơn Tây đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo; tập trung rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí và ban hành chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Ngay từ đầu năm 2023, Ban chỉ đạo, UBND thị xã tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ, phân công rõ từng phòng, ban, đơn vị của thị xã chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện từng tiêu chí.