Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nữ quái” sa lưới

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có trình độ, giỏi ngoại ngữ nhưng “nữ quái” lại sử dụng học thức của mình để thiết lập hệ thống lừa đảo cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Đường dây lừa đảo chuyên nghiệp đến mức bản thân các đồng phạm cũng bị “nữ quái” qua mặt.
Tổ chức thi chuyên nghiệp

Ngày 28/1/2018, hàng trăm thí sinh đang dự thi cùng đội ngũ “giám thị” bàng hoàng, thảng thốt khi cơ quan chức năng đến kiểm tra đột xuất và công bố: Việc dự thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ họ đang tiến hành là bất hợp pháp. Họ là nạn nhân của hệ thống lừa đảo siêu cao thủ do đối tượng Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983, trú tại quận Bắc Từ Liêm) chủ mưu cầm đầu…

Theo đó (khoảng tháng 9/2017), Nguyễn Văn Thuật (SN 1972, Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương) quen biết Nguyễn Thị Hạnh. Thời điểm này, Hạnh giới thiệu đang là cán bộ trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tin tưởng người mới quen, Thuật đã chủ động đặt vấn đề nhờ xin chủ trương liên kết với trường Hạnh đang công tác để tuyển sinh, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Ảnh minh hoạ.
Nắm bắt được việc nhiều người có nhu cầu cần chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh phục vụ yêu cầu công việc, “nữ quái” nhận lời liên hệ “xin” cho công ty của Thuật và không quên đưa ra những yêu cầu về tỷ lệ ăn chia khi chủ trương được chấp nhận. Đầu tháng 1/2018, Hạnh thông báo đã xin được chủ trương và chuyển cho Thuật văn bản giả mạo trường Đại học Ngoại ngữ gửi Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương. Văn bản có nội dung nhất trí cho công ty này phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Ngay sau khi nhận, Thuật chụp lại văn bản, gửi email đến các đối tác và quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội nhằm tuyển sinh dự thi. Nhờ có mối quan hệ rộng rãi, đã có 5 đầu mối do tin tưởng nhận hồ sơ, tiền của nhiều cá nhân để nộp cho Thuật đăng ký nhằm mục đích hưởng tiền chênh lệch. Ngoài ra, các đầu mối này còn nhận từ nhiều đầu mối trung gian khác và số tiền mà các trung gian thu của thí sinh giao động từ 4 - 25 triệu đồng/thí sinh…

Cao thủ sa lưới

Trước đó, cơ quan công an nhận được thông tin của trường Đại học Ngoại ngữ về việc nhận được công văn của một số đơn vị tuyển dụng, đề nghị xác minh một số trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực châu Âu, có dấu hiệu bất thường. Đi sâu tìm hiểu, cơ quan chức năng làm rõ đầu mối nguồn cung của các chứng chỉ này là của đối tượng Nguyễn Thị Hạnh. Đáng chú ý, khi bị cơ quan công an bắt giữ, đối tượng Thuật mới bật ngửa biết mình cũng bị đối tác lừa ngoạn mục.

Theo đó, chủ định lừa đảo ngay từ đầu, Hạnh dùng công nghệ cao tạo ra văn bản đồng ý về chủ trương của trường Đại học Ngoại ngữ. Sau đó, do giỏi ngoại ngữ, đối tượng Hạnh mua sách tiếng Anh và tự biên soạn tài liệu ôn thi, đề thi và sử dụng công nghệ cao chuẩn bị sẵn phôi chứng chỉ ngoại ngữ. Trong vụ lừa đảo này, Hạnh tự đưa ra mức thu lệ phí từ 2,8 - 14 triệu đồng đối với từng trình độ và Thuật đã tin tưởng nộp đầy đủ. Cơ quan công an xác định, tổng cộng các đối tượng lừa đảo hơn 550 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Thuật đã đưa cho Nguyễn Thị Hạnh tổng cộng 350 triệu đồng, Thuật hưởng hơn 218 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an làm rõ, Nguyễn Thị Hạnh còn lừa đảo chiếm đoạt của một số giáo viên có nhu cầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để phục vụ công việc số tiền 112,5 triệu đồng, sau đó đưa cho họ chứng chỉ giả để về nộp cho cơ quan. Ngoài ra, đối tượng Hạnh còn đứng ra nhận hàng trăm triệu đồng của các trường hợp có nhu cầu thi chứng chỉ ngoại ngữ của Hội đồng Anh. Sau đó, Hạnh đã thuê địa điểm để tổ chức thi cho một số trường hợp, rồi cấp chứng chỉ giả cho họ. Còn 20 trường hợp chưa được thi thì “nữ quái” này bị bắt giữ.