Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm mở đường để ông Abe thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2015.Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe đã giảm mạnh sau những bê bối liên quan đến những nhân vật trong nội các, kết quả tăng trưởng kinh tế khiêm tốn. Ngoài ra, có tới hơn 70% người dân Nhật Bản phản đối chương trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ đầu tháng 4 vừa qua. Việc GDP của Nhật Bản trong quý III/2014 giảm 0,4% so với quý trước và tiếp tục đà sụt giảm so với mức 7,3% trong quý II/2014 đã phần nào cho thấy, tác động tiêu cực của quyết định tăng thuế từ 5 - 8% đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AAP
|
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự thất vọng của người dân và thu hút sự ủng hộ của cử tri, Thủ tướng Abe cho biết, kế hoạch tăng thuế từ 8 - 10% vào tháng 10/2015 sẽ được đẩy lùi đến tháng 4/2017. Hiện chưa rõ bao giờ gói kích thích kinh tế được chính phủ soạn thảo sẽ công bố, nhưng có một điều chắc chắn là việc bơm tiền vào thị trường, phát thẻ mua hàng cho người thu nhập thấp, cấp tín dụng ưu đãi cho người mua nhà ở tiết kiệm năng lượng… sẽ được ưu tiên.
Tuy nhiên, giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng nợ công như hiện nay, quyết định tổ chức bầu cử sớm của ông Abe được cho là một nước cờ liều lĩnh. Ngay cả khi sức mạnh của phe đối lập đang bị giảm thiểu đáng kể do mâu thuẫn nội bộ, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của đương kim Thủ tướng có thể sẽ giành được chiến thắng cuối cùng nhưng đó chắc chắn không phải là một chiến thắng dễ dàng. Vì thế, ngay cả khi chắc chắn vẫn giữ được chiếc ghế Thủ tướng, ông Abe sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế và những mục tiêu tham vọng khác như tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân, thông qua dự luật cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến II kết thúc…
Đặc biệt, quyết định hoãn tăng thuế dù có thể thu hút được sự ủng hộ của cử tri nhưng nó cũng đặt ông Abe vào tình thế khó khăn khi nợ công vốn đã ở mức cao kỷ lục tiếp tục phình to, gây nguy cơ cho nền kinh tế. Không những thế, theo các chuyên gia, điều mà Nhật Bản cần hiện nay là một kế hoạch hành động để vực dậy nền kinh tế chứ không phải là một cuộc bầu cử. Sau gần 2 năm thực hiện, chính sách 3 mũi tên của Abenomics nhằm kích thích tăng trưởng đã bị bẻ cong, đã đến lúc chính phủ Nhật phải có hành động cụ thể như giảm các rào cản thương mại, nới lỏng quy định của thị trường lao động, khuyến khích cải cách…
Theo kế hoạch, Hạ viện sẽ giải tán vào ngày 19 hoặc 21/11. Chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu từ ngày 2 - 12/12. |