Nuôi dưỡng nguồn thu hay tận thu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù để cải thiện môi trường kinh doanh, thời gian qua đã có một loạt quyết sách nhằm giảm gánh nặng cho DN và người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Gần đây nhất là việc giảm thời gian làm thủ tục hành chính trong cấp phép đăng ký kinh doanh xuống còn 5 ngày, thậm chí còn giảm tiếp xuống còn 3 ngày, giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ nộp thuế, phấn đấu thực hiện thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới tối đa là 13 ngày (hàng xuất khẩu) và 14 ngày (hàng nhập khẩu); năm 2016, mức giảm tương ứng là 10 ngày và 12 ngày… Tuy nhiên, trong khi một loạt nỗ lực đang được triển khai thì những con số thống kê số lượng DN phá sản, ngừng sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Mặc dù năm 2014 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng số DN ngừng hoạt động lên tới 67.000 DN. Bước sang quý I/2015, số DN “chết” vẫn tăng hơn 10%. Như vậy, nền kinh tế vẫn có những bất ổn, cho dù có đưa ra lý do phần lớn DN hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa; nền kinh tế trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt cũng là dịp để thanh lọc những DN yếu… Tuy nhiên, số liệu được công bố tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân diễn ra mới đây cho thấy, mức thu từ thuế và phí hiện nay ở Việt Nam cao gấp từ 1,4 - 3 lần so với các nước khác trong khu vực, rất cần được nhìn nhận để có cách đánh giá khác về khó khăn của người dân, DN.

Thời gian qua đã có nhiều lần chính sách về thuế được điều chỉnh nhằm giảm thuế cho DN nhưng trên thực tế, thuế vẫn rất cao, nhất là lại có quá nhiều loại, thậm chí nhiều khi giảm loại thuế này nhưng loại khác lại cao. Còn phí thì quá nhiều. Chỉ riêng với mặt hàng xăng, dầu cũng có thể thấy khá rõ điều này. Trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu hiện hành, mỗi lít xăng cõng thêm rất nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…, chưa kể các loại phí khác. Khi thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng thì tổng các loại thuế mà người dân phải chịu khi mua mỗi lít xăng khoảng 7.888 đồng, nếu thuế môi trường tăng lên 3.000 đồng/lít, tổng mức thuế, phí mà người tiêu dùng sẽ phải chịu là hơn 10.000 đồng/lít.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Tăng thuế bảo vệ môi trường cũng để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Đây là những lý giải không phù hợp. Bởi, thuế môi trường và thuế nhập khẩu là tách bạch nhau, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho một loại thuế khác. Về nguyên tắc, thuế môi trường được dùng để khắc phục các hậu quả về ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra. Nay tăng lên gấp ba lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho bảo vệ môi trường chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm. Thậm chí, điều này đi ngược với mong muốn tạo đà để nền kinh tế phát triển, đồng nghĩa với việc thay vì nuôi dưỡng để tạo nguồn thu, nhiều khoản thuế, phí đang được tận thu gây không ít khó khăn cho DN, người dân, và lớn hơn là nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần