Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nuôi dưỡng, phát huy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/4/2022, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên Giáo TƯ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bộ GD&ĐT và kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh/TP trực thuộc TƯ, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm trong cả nước với sự đồng chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Theo GS Hoàng Chí Bảo- Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận TƯ thì với thế hệ trẻ, thanh thiếu niên Việt Nam, việc nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng cống hiến có một tầm quan trọng đặc biệt, chẳng những đối với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của bản thân họ mà còn đối với sự phát triển của dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay- khi chúng ta tiếp tục đổi mới sáng tạo, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vừa tận dụng, đón kịp thời cơ vừa nỗ lực vượt qua thách thức trên con đường phát triển.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có tính chiến lược, cần được thực hiện liên tục, xuyên suốt từ gia đình, nhà trường đến tất cả các bộ, ngành, đoàn thể, cộng đồng, xã hội. Giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp.

Muốn cho thanh thiếu niên, nhi đồng nuôi dưỡng và phát huy được khát vọng cống hiến, góp sức vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước cần phải tìm kiếm và áp dụng các giải pháp phù hợp với bản thân họ và tương thích với sự đòi hỏi, mong đợi của xã hội.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa cho rằng, ngoài các biện pháp toàn ngành đang triển khai thực hiện thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giáo dục là một giải pháp luôn được xác định là trọng tâm và đang triển khai hiệu quả.

Trong tương lai, công tác giáo dục đạo đức cách mạng, lý tưởng chính trị cho đoàn viên thanh niên cần được phổ biến dưới nhiều hình thức sinh động, trực quan hơn để nâng cao hiệu quả học tập các môn lý luận chính trị tại các nhà trường, đồng thời gia tăng sự hiểu biết, ý thức, bản lĩnh chính trị của thanh niên Việt Nam về các vấn đề trên.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ: Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ vị trí, vai trò của thanh thiếu niên, học sinh – sinh viên với tư cách là chủ nhân tương lai, lực lượng nòng cốt giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khẳng định rằng, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành công dân toàn cầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn các bộ, ban, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát các văn bản đã triển khai giai đoạn trước để điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời các chính sách, kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Chương trình 1895, đưa nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng vào chương trình hành động của ban, bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đồng hành với ngành Giáo dục thực hiện thành công mục tiêu “hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc” như Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ ra.

 

Xây dựng trường học và đội ngũ nhà giáo giàu khát vọng

 Kế hoạch lần này về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng so với chương trình 5 năm trước có điểm mới quan trọng là vấn đề “khát vọng và khơi dậy khát vọng cống hiến”. Đây là việc quan trọng để triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó, từ phương diện chuyên môn của ngành GD&ĐT đã xác định triển khai tốt nhiệm vụ trung tâm là các môn học trong chương trình giáo dục chính thức, tận dụng môn học, giờ dạy trong nhà trường với các môn học như: Đạo đức, GDCD, Lý luận chính trị... Việc khơi dậy khát vọng, khí thể, ý chí, định hướng tinh thần là sự gắn kết giữa phẩm chất cá nhân nhưng lấy trách nhiệm xã hội làm thước đo. Vì vậy, muốn tạo dựng được con người có khát vọng, cần có trường học đầy khát vọng thông qua việc tạo dựng được lớp nhà giáo giàu năng lực, giàu khát vọng. Việc đầu tiên là cần đổi mới phương pháp dạy và học các môn, đặc biệt trong triển khai Chương trình GDPT 2018... - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.