Theo ông Nguyễn Quang Hùng, nông nghiệp nước ta những năm gần đây được coi là cứu cánh của nền kinh tế với 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hàng năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp luôn có xu hướng tăng, và trong thành công đó có sự đóng góp lớn của ngành thuỷ sản.
Thống kê năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2017. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 228.140 tỷ đồng (tăng 7,7% so với năm 2017). Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản năm 2018 đạt 8,8 tỷ USD (tăng 5,8% so với năm 2019). Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, thuỷ sản xuất khẩu đạt 6,23 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo ông Hùng, tiềm năng của nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực phía Bắc còn rất lớn, nhưng phát triển hiện chưa đồng bộ, chưa tương xứng lợi thế và chủ yếu vẫn chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho khu vực. Một trong những nguyên nhân chính là kết nối cung cầu còn hạn chế, đặc biệt là chưa thiết lập được các kênh tiêu thụ theo chuỗi giá trị ổn định, bền vững.
Tại hội nghị, đông đảo bà con nông dân đã được tiếp cận trực tiếp với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là đề xuất các phương thức sản xuất phù hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân để phát triển bền vững ngành thuỷ sản nói riêng, nông nghiệp nói chung.
Ngoài những hiểu biết về sản xuất, kinh doanh thuỷ sản trong giai đoạn mới, thông qua chương trình, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã được gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác tiêu thụ thuỷ sản. Qua đó, tạo tiền đề tiến tới xây dựng các chuỗi giá trị thuỷ sản từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững.