Đảm bảo tính bền vững
Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển NTTS, với 30.840ha diện tích mặt nước. Hiện, TP đã hình thành được nhiều vùng NTTS tập trung. Tính đến năm 2019 diện tích đưa vào NTTS của Hà Nội là 22.400ha và sản lượng nuôi trồng ước đạt 115.000 tấn. Tuy nhiên, việc gắn kết các khâu trong hoạt động nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dưới dạng tươi sống không qua sơ chế, chế biến và phụ thuộc vào thương lái. Nguyên nhân do việc xây dựng chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Để giải quyết những bất cập trên, năm 2018, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã bước đầu xây dựng được hai chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm cá rô phi tại xã Cổ Đô (Ba Vì) và cá chép lai tại xã Phương Tú (Ứng Hòa). Thành công của hai mô hình đã minh chứng hiệu quả thiết thực của phương thức sản xuất này. Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Để đảm bảo sản xuất NTTS mang tính bền vững và giảm thiểu các rủi ro, việc phát triển mô hình chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm là điều hết sức quan trọng. Chuỗi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho bà con nông dân như giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả nuôi trồng và điều quan trọng hơn nữa là tạo sự ổn định sản xuất.
Bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc xây dựng chuỗi sẽ tạo được liên kết từ cơ sở sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chuỗi đang liên kết với các đầu mối tại chợ cá Yên Sở, đây là chợ đầu mối cá nước ngọt lớn nhất khu vực miền Bắc, mỗi ngày lượng sản phẩm tiêu thụ tại chợ trung bình từ 80 - 100 tấn thủy sản. Cá được vận chuyển từ nơi sản xuất đến chợ đảm bảo tươi sống cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Cần nhân rộng
Tiếp nối thành công này, tháng 5/2019, Chi cục Thủy sản Hà Nội xây dựng thêm chuỗi sản xuất giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ cá chép lai tại xã Tri Trung – Phú Xuyên; Mở rộng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá rô phi tại xã Cổ Đô (Ba Vì). Trong đó, mô hình nuôi cá rô phi tại xã Cổ Đô (Ba Vì) có diện tích 5ha, mật độ cá thả là 4 con/m2, với tỷ lệ sống đạt trên 85%, kích cỡ thu hoạch trung bình 0,8kg/con.
Dự kiến sau 6 tháng nuôi trồng, sản lượng thu được là trên 130 tấn cá rô phi, năng suất đạt 27 tấn/ha, ước giá trị thu được là 4 tỷ đồng. Đối với 2ha nuôi cá chép lai theo chuỗi từ sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm, dự kiến sau 6 tháng nuôi, sản lượng thu được là trên 30 tấn cá, năng suất đạt 15 tấn/ha, ước giá trị thu được là 1,5 tỷ đồng. Trong quá trình nuôi Chi cục Thủy sản đã hỗ trợ một phần thức ăn, con giống, thuốc phòng bệnh, đồng thời cử cán bộ theo dõi giám sát mô hình, thực hiện thu mẫu phân tích chất lượng sản phẩm.
Ông Vũ Xuân Trong, xã Tri Trung (Phú Xuyên) cho biết: Tham gia chuỗi liên kết đã giúp thay đổi tư duy NTTS, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và không nuôi nhiều loại cá như trước kia, tập trung nuôi 1 - 2 đối tượng chính có năng suất, chất lượng. Nhờ vậy, vừa đỡ tốn thức ăn mà cá lại sinh trưởng, phát triển nhanh. "Đặc biệt, khi tham gia chuỗi liên kết chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm, đồng thời giảm khâu trung gian, từ đó làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh trên thị trường" - ông Trong chia sẻ.
Về góc độ quản lý Nhà nước, việc xây dựng chuỗi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý từ T.Ư tới địa phương trong việc quản lý, kiểm soát được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và điều tiết được từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Chính vì điều này, việc nhân rộng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm thủy sản là việc rất cần thiết trong quá trình phát triển thủy sản Hà Nội, đảm bảo tính ổn định, bền vững và hiệu quả.