Ô nhiễm nước sinh hoạt ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế: Người dân khiếu nại Công ty HueWACO

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc nước sinh hoạt bị ô nhiễm ở 4 xã, thị trấn tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân các xã này đã có đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền.

Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn khiếu nại của người dân sống tại xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) về vấn đề “nước cung cấp của Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) không đảm bảo chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau khi nhận được đơn khiếu nại, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại hiện trường để tiếp tục ghi nhận thêm về vụ việc.
Yêu cầu dỡ bỏ trạm bơm sông Thừa Lưu
Anh Trần Hữu Minh (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) cho biết, theo thông báo của HueWACO, công ty đã bắt đầu sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu từ năm 2019, nhưng người dân cũng như chính quyền chưa bao giờ nhận được văn bản nào thông báo là nguồn cung ứng nước đến người dân là nguồn nước sông Thừa Lưu.
Chỉ tay vào nguồn nước ở sông Thừa Lưu, anh Minh lo lắng bởi cách nơi lấy nước để cung cấp cho người dân 400m là chợ Thừa Lưu - đã nhiều lần các phương tiện, thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng ô nhiễm rác thải từ chợ. Đối diện đó là mỏ đá Thừa Lưu, khai thác bằng hình thức nổ mìn, xe ra vào liên tục, gây bụi bẩn, những chất trong quá trình nổ mìn liệu có hòa vào nguồn nước như kẽm, sắt...
Cách nơi lấy nước nguồn của HueWACO 400m là chợ Thừa Lưu, rác thải tích tụ hàng ngày được đổ thẳng xuống dòng sông (ghi nhận thực tế vào ngày 9/8). Ảnh: A. TUẤN
“Đồng thời, cạnh con sông Thừa Lưu là cánh đồng lúa mà người dân địa phương canh tác đã nhiều năm nay. Liệu trong quá trình sản xuất thì lượng lớn thuốc trừ sâu mà người dân sử dụng có bị nhiễm vào nguồn nước hay không?” - anh Minh đặt nghi vấn.
Còn bà Lê Thị Thu (thôn Thủy Dương, xã Lộc Thủy) bức xúc: “Chúng tôi yêu cầu Công ty HueWACO phải dỡ bỏ ngay trạm bơm ở sông Thừa Lưu. Đã hơn 20 ngày nay, khi phát hiện nguồn nước cáu bẩn thì gia đình tôi không sử dụng nước này nữa, thay vào đó phải tạm thời dùng nước suối gần nhà”.
Không ký vào đơn với mẫu in sẵn
Các hộ dân xã Lộc Thủy đồng loạt gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty HueWACO và một số đơn vị có thẩm quyền về việc “vi phạm tiêu chuẩn cấp nước theo hợp đồng dịch vụ cấp nước”.
Ngay sau đó, những nhân viên HueWACO đã đến tận nhà và thuyết phục người dân đứng tên trong đơn ký vào các loại biên bản có viết sẵn với với nội dung “Các chỉ tiêu kiểm tra đạt QCVN 01 - 1:2018”.

Vải đen kịt sau 30 phút lọc nước đầu vòi do HueWACO cung cấp (ghi nhận thực tế vào ngày 9/8). Ảnh: A. TUẤN

Ông Trần Bá Ngọc (xã Lộc Thủy), một trong những người dân không đồng ý ký vào biên bản vì cho rằng HueWACO cần phải thông qua một cuộc đối thoại với người dân, chứ không thể ký vào đơn với những mẫu in sẵn như thế này được.
“Người dân chúng tôi nộp tiền nước chậm 2 - 3 ngày các công ty đã cắt nước và phạt tiền. Bây giờ công ty cung cấp nước bẩn cho chúng tôi thì HueWACO phải bị xử lý” - ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Trần Bá Ngọc, trước đó người dân đã có những yêu cầu trong đơn kiến nghị, nhưng HueWACO vẫn chưa đáp ứng nên người dân không đồng ý ký vào biên bản.
Nhiều lần bổ sung các chỉ tiêu vào phiếu kiểm nghiệm
Theo ghi chú theo của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm: “Thông tin về mẫu và nơi gửi do khách hàng cung cấp; kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị đối với mẫu đem thử”.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (gọi tắt Trung tâm kiểm nghiệm) trực thuộc Sở Y tế Thừa Thiên Huế.
Bà Ngô Thị Thanh Xuân xác nhận, trung tâm có giám định mẫu do Công ty HueWACO yêu cầu, nhưng đó là “mẫu gửi” (do khách hàng cung cấp), cho nên kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu mà khách hàng đưa đến.
Theo bà Ngô Thị Thanh Xuân, khi đưa mẫu đến Trung tâm kiểm nghiệm thì HueWACO không kèm theo biên bản, phiếu niêm phong khi lấy mẫu nên kết quả chỉ đúng đối với mẫu đem thử. Còn HueWACO lấy mẫu ở đâu thì chúng tôi không thể biết được, nếu Trung tâm kiểm nghiệm đi lấy mẫu thì sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ quy trình.

Các phần nhận xét đã được ghi sẵn để đưa đến tay những người ký.

Ông Mai Xuân Tấn - Trưởng phòng quản lý chất lượng nước, công ty HueWACO xác nhận phiếu kiểm nghiệm mà công ty đặt cho trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm làm xét nghiệm gồm 17 chỉ tiêu. Những chỉ tiêu còn lại, phòng thí nghiệm của công ty HueWACO tự làm được.
Phiếu kiểm nghiệm đề ngày 27/5 với 15 chỉ tiêu được liệt kê ra. Khi phóng viên phản ánh rằng số lượng chất được liệt kê ở 2 phiếu chỉ 32 chỉ tiêu, thiếu 4 chỉ tiêu so với quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT ban hành theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng nước mặt, thì ngay sáng hôm sau, ông Tấn đã gửi 1 bản phiếu kiểm nghiệm mới và viện dẫn lý do là do nhân viên nhập sót.
HueWACO tiến hành khắc phục hậu quả
Liên quan đến vụ việc này, chiều 17/8, tại họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo HueWACO đã trả lời một số câu hỏi của các phóng viên về vụ cấp nước bẩn tại khu vực huyện Phú Lộc.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc HueWACO trả lời tại cuộc họp báo ngày 17/8. Ảnh: A.TUẤN
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc HueWACO cho biết, sự cố xảy ra tại nhà máy nước Chân Mây, công ty đã có báo cáo đến HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như chính quyền địa phương được biết về sự cố này.
Bên cạnh đó, công ty đã huy động toàn bộ nhân viên tiến hành thông rửa các tuyến ống, đồng thời có văn bản xin UBND tỉnh đồng ý cho công ty lấy nước hồ Thủy Yên để thi công trạm xử lý cơ động công suất 1.600 m3/ngày đêm để bổ sung cho nguồn nước nhà máy nước Chân Mây và có nguồn nước để thông rửa đường ống.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, từ ngày 28/7 đến ngày 13/8, công ty đã thông rửa toàn bộ hệ thống với 190km trên 3 xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Công ty cam kết với khách hàng là những thành phần có nguy hại đến sức khỏe, cũng như các vi khuẩn được khử khuẩn tuyệt đối theo quy định của Bộ Y tế.
Sau khi xem hình ảnh và video clip về hiện tượng vải lọc đen kịt từ nguồn nước của HueWACO do phóng viên Kinh tế & Đô thị cung cấp, TS Đặng Văn Khánh - Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trực thuộc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, nhận định: Với cảm quan bên ngoài nhiều khả năng đây là chất sắt. Thường chất sắt có thể lắng đọng trong quá trình xử lý. Nước đầu vào không bẩn bằng nước đầu ra thì nó phát sinh trong dây chuyền, lắng và cô đọng lại trong thời gian dài.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần