Những kỳ vọng về động lực Olympic đối với nền kinh tế Nhật Bản được đưa ra năm nào hiện đối mặt với thách thức: Các đấu trường tiêu tốn hàng tỷ USD để xây dựng hoặc cải tạo cho Olympic hầu hết sẽ trống vắng vì phải cấm khán giả.
Kỳ Thế vận hội đắt đỏ
Chặng đường để trở thành chủ nhà đăng cai Olympic mùa Hè 2020 của Nhật Bản đã bắt đầu gần một thập kỷ trước. Tại Olympic London 2012 được ca ngợi là hết sức thành công của Anh, đoàn Nhật Bản đã giành được 38 huy chương - thành tích tốt nhất từ trước đến nay của nước này trong một kỳ Thế vận hội mùa Hè.
Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ Shinzo Abe nói rằng, việc đăng cai tổ chức Olympic sẽ vực dậy tinh thần của đất nước sau thảm họa kép năm 2011, đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng. Các nhà tổ chức địa phương cũng dự báo về lượng lớn du khách đổ đến Nhật Bản trong hơn nửa tháng diễn ra sự kiện thể thao, ước tính có thể chi gần 2 tỷ USD cho các bữa ăn, phương tiện đi lại, khách sạn và hàng hóa.
Đến năm 2019, hầu hết các địa điểm tổ chức Olympic 2020 đã hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn, đáp ứng được nhu cầu vé lớn. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thậm chí đã gọi Tokyo là “thành phố đăng cai chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử Olympic”. Rồi đại dịch Covid-19 ập đến…
Tháng 3/2020, IOC và Nhật Bản quyết định hoãn Olympic Tokyo 1 năm, đánh cược rằng dịch bệnh sẽ được khống chế vào mùa Hè năm 2021. Tuy nhiên, tất cả không như mong đợi. Trong những tuần ngay trước thềm Thế vận hội, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã làm gia tăng số ca nhiễm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Tokyo, nơi ghi nhận hơn 1.000 trường hợp Covid-19 mới mỗi ngày trong thời gian gần đây.
Đáng báo động, các ca nhiễm mới tại Nhật xuất hiện ở mọi nhóm người tham gia Thế vận hội, từ vận động viên, huấn luyện viên, đến các quan chức IOC cũng như giới truyền thông. Tại Làng Olympic, nơi các vận động viên chỉ có thể vào sau loạt thủ tục kiểm tra trước và sau khi đến Nhật Bản, cũng đã báo cáo các trường hợp dương tính đầu tiên. Tính đến đầu tuần này, chỉ 22% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi chính quyền Tokyo tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ít nhất là ngày 22/8.Tình trạng khẩn cấp buộc các nhà tổ chức phải cấm khán giả đến tất cả địa điểm ở Tokyo, ngay cả khi Nhật Bản đã đón gần 30.000 vận động viên và khách mời tham dự Olympic. Điều này đồng nghĩa với việc, khoảng 90 tỷ Yên (gần 1 tỷ USD) từ tiền bán 630.000 vé mà Ủy ban Olympic Tokyo ước tính phát hành cho du khách nước ngoài đến Nhật vì Olympic đã tan thành mây khói.
Như chưa đủ tồi tệ, một loạt các nhãn hàng, bao gồm cả các đối tác của IOC như Toyota và Panasonic, đã tuyên bố hạn chế kế hoạch quảng bá thương hiệu tại Olympic 2020, chỉ ít ngày trước lễ khai mạc. Các công ty lo ngại dư luận tiêu cực, khi mà 41% người Nhật được hỏi trong cuộc thăm dò mới nhất của Yomiuri News đã phản đối việc tổ chức sự kiện thể thao giữa lúc dịch bệnh rối ren như hiện nay. Nhiều người Nhật cho rằng IOC đang bất chấp để tổ chức Olympic Tokyo, với khoảng 73% ngân sách của Ủy ban đến từ việc bán bản quyền phát sóng Thế vận hội.
Trong lúc đó, tổng chi phí chính thức để tổ chức Olympic Tokyo hiện đã tăng thêm 294 tỷ Yên (2,67 tỷ USD) so với giá thầu ban đầu, lên khoảng 1,644 nghìn tỷ Yên, do các khoản chi tiêu không lường trước được - tương tự các kỳ Olympic khác, cộng thêm chi phí cho công tác ngăn ngừa dịch bệnh ước tính tiêu tốn 96 tỷ Yên. Như vậy, sự kiện thể thao này có khả năng sẽ vượt chi phí của Olympic London 2012 - kỳ Thế vận hội mùa Hè đắt nhất trong lịch sử, đã “ngốn hết” 14,4 tỷ USD.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực cắt giảm chi phí để thực hiện sự kiện trong phạm vi ngân sách của mình”, một quan chức Ủy ban Olympic Tokyo nói với Nikkei Asia, “nhưng nếu không thể trang trải được chi phí sau những nỗ lực đó, chúng tôi sẽ phải đàm phán lại với IOC, chính quyền thủ đô Tokyo, Chính phủ và các bên liên quan về việc chia sẻ gánh nặng kinh phí”.
Bài toán kinh tế của Nhật BảnTác động kinh tế của việc tổ chức Olympic không khán giả là không hề nhỏ. Theo Katsuhiro Miyamoto - Giáo sư lý thuyết kinh tế tại Đại học Kansai, ước tính rằng Olympic Tokyo không khán giả sẽ dẫn đến thiệt hại 381,3 tỷ Yên (khoảng 3,5 tỷ USD) chi tiêu liên quan trực tiếp đến sự kiện. Lợi nhuận kinh tế từ các sự kiện văn hóa và thể thao quảng cáo sau Thế vận hội cũng được dự đoán sẽ giảm đi ít nhất một nửa. Bên cạnh đó, nguy cơ những tranh chấp thương mại có thể sẽ phát sinh từ một Thế vận hội “bế quan tỏa cảng”.
Tuy nhiên, trái lại, việc hủy bỏ Thế vận hội sẽ còn thảm khốc hơn đối với nền kinh tế Nhật Bản lúc này, dẫn đến thiệt hại ước tính lên tới 4,5 nghìn tỷ Yên. Điều này chủ yếu do chi phí cơ sở hạ tầng đặc biệt được xây dựng cho Thế vận hội nhưng không tạo ra, hoặc tạo ra lợi nhuận kinh tế hạn chế.Do đó, bài toán kinh tế đối với Nhật Bản lúc này được cho là tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ Olympic Tokyo 2020, thậm chí biến rủi ro thành cơ hội mới trong đại dịch Covid-19. Giới chuyên gia tin rằng người Nhật có cơ sở để làm được điều này.Nhìn lại Olympic Tokyo 1964, du lịch rõ ràng là lý do chính cho quyết tâm trở thành nước chủ nhà của Nhật Bản. Từ việc xây dựng các địa điểm như Trung tâm Judo Nippon Budokan - được tái sử dụng trong Olympic Tokyo 2020, đến các mạng lưới giao thông - bao gồm hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, sự kiện thể thao mùa Hè năm 1964 đã tạo ra những cải tiến cơ sở hạ tầng quan trọng là trọng tâm của phát triển du lịch Nhật Bản sau này, đồng thời cũng chứng minh một lịch sử đi đầu và đổi mới trong công nghệ của quốc gia châu Á.
Olympic Tokyo 1964 chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên trên thế giới được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, thu hút từ 600 triệu đến 800 triệu khán giả trên toàn thế giới lúc bấy giờ chiêm ngưỡng các thành phố và những giá trị văn hóa của Xứ Anh đào.
Giờ đây, đại dịch gây gián đoạn Olympic Tokyo 2020 có thể sẽ là “cơ hội” để thế giới một lần nữa chứng kiến màn bứt tốc của công nghệ Nhật Bản, trong thời đại của kết nối không dây, thực tế ảo… Nhà kinh tế học Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura lạc quan về khả năng người dân các nước xem Thế vận hội Tokyo, và có thể quyết định đến thăm Nhật Bản sau đại dịch.
“Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật chất để đón du khách quốc tế trong những năm qua sẽ không bị lãng phí. Các sân vận động và đấu trường Olympic cuối cùng sẽ lại chứng kiến những sự kiện đông đảo người xem”, ông Takahide nói.
Cuối cùng, Olympic Tokyo ước tính sẽ tạo ra cơ hội việc làm mới cho toàn quốc về lâu dài, mang lại lợi ích cho tổng cộng 1,9 triệu người. Con số này thực sự ý nghĩa trong bối cảnh sự bùng phát Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên sau 11 năm, lên 1,98 triệu người - theo thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản.
"Nhiều địa điểm sẽ không có khán giả, nhưng tầm quan trọng của Olympic Tokyo không hề giảm sút. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, 4,9 tỷ người trên khắp thế giới sẽ say sưa theo dõi trước màn hình tivi" - Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga |