Khi mắc Covid-19 thì một trong những triệu chứng thường gặp là sốt và ớn lạnh. Tình trạng ớn lạnh là khi các cơ trong cơ thể liên tục co bóp và thư giãn để tạo nhiệt. Tăng nhiệt độ là một phần phản ứng của hệ thống miễn dịch để chống lại khả năng sinh sản của virus. Trong một số trường hợp bệnh do virus nhẹ, sốt có thể kéo dài một vài ngày, hoặc có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng với các bệnh nhiễm trùng toàn thân. Nếu ớn lạnh mà kèm sốt thì cần tìm hiểu nguồn gốc của sốt dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng khác. Rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra như cảm lạnh và cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm dạ dày, tăng bạch cầu đơn nhân, viêm tai, viêm xoang, nhiễm trùng tiết niệu…
Nếu ớn lạnh không kèm sốt có thể gặp trong suy giáp, máu lưu thông kém, thiếu chất sắt, mất nước, thiếu vitamin B12, thiếu ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể quá gầy… Ớn lạnh có thể là phản ứng của cảm xúc, sợ hãi hoặc lo lắng là nguyên nhân thường làm chúng ta thấy lạnh người. Các cơn ớn lạnh có thể xảy ra dọc theo sống lưng, là phản ứng cảm xúc do các cơ chế sinh học thần kinh kích hoạt giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh gây ra. Hoạt động thể chất mạnh cũng có thể gây ra thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột dẫn đến ớn lạnh…Ngoài ra, bạn có đang dùng loại thuốc để điều trị bệnh lý nào không? Một số thuốc cũng có thể có tác dụng phụ là gây ớn lạnh.Bạn cần được thăm khám kỹ hơn, khai thác các triệu chứng hiện tại, đánh giá lại tình trạng sức khỏe của bạn, thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết mới có thể kết luận được. Ớn lạnh có thể do một nguyên nhân bình thường hoặc là triệu chứng của bệnh lý nào đó.Khi người bệnh cho biết mình hay bị đau khớp ngón chân, điều đầu tiên phải xem triệu chứng đau khớp ngón chân trước đây đã từng bị hay chưa? Ngón chân bị đau có từng bị chấn thương, trước đây có từng bị gout? Tình trạng đau khớp còn gặp ở khớp nào khác của cơ thể?Nhiễm Covid-19 gây kích hoạt hệ thống miễn dịch dẫn đến viêm toàn thân và rối loạn điều hòa miễn dịch, gây nhiều biến chứng, trong đó có trường hợp viêm khớp phản ứng sau Covid-19, tuy nhiên hiếm gặp. Viêm khớp đi kèm tăng CRP xuất hiện khoảng 2 - 4 tuần sau khi nhiễm Covid-19, thường gặp ở chi dưới. Tuy nhiên, cần thăm khám kỹ hơn để xác định trường hợp của bạn có phải là viêm khớp phản ứng sau nhiễm Covid-19 hay không, hay bệnh lý nào khác không liên quan Covid-19.Người bệnh nói trên còn cho biết, anh có hiện tượng rụng nhiều tóc. Về triệu chứng rụng tóc, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc. Căng thẳng về thể chất và cảm xúc khi mắc Covid-19 có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc có thể hồi phục được. Tình trạng rụng tóc này xảy ra vài tháng sau khi xuất hiện sự kiện gây căng thẳng nào đó như bệnh tật, stress. Do chu kỳ phát triển của tóc khá lâu, mọi người thường sẽ bắt đầu rụng tóc một vài tuần hoặc một vài tháng sau khi gặp phải sự kiện gây căng thẳng, và quá trình này có thể tiếp tục trong nhiều tháng sau đó. Tuy nhiên, tóc thường sẽ mọc trở lại một khi nguồn gây căng thẳng đã bị loại bỏ.Căng thẳng có thể làm một số nang tóc bước vào giai đoạn nghỉ, khiến tóc ngừng mọc. Một vài tháng sau, sợi tóc gắn liền với nang tóc bị ảnh hưởng sẽ bắt đầu rụng, và tóc sẽ rụng nhiều hơn so với bình thường. Đây có thể là tình trạng rụng tóc do căng thẳng phổ biến nhất. Tuy nhiên, rụng tóc có thể do nguyên nhân bệnh lý khác như viêm nhiễm da đầu, bệnh lý tự miễn, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, thiếu máu, thiếu chất…Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân các triệu chứng ớn lạnh, đau khớp ngón chân, rụng tóc của bạn là gì, có liên quan đến Covid-19 hay không, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám trực tiếp, thực hiện thêm một số cận lâm sàng cần thiết. Điều quan trọng không kém là cần chú ý dinh dưỡng và vận động để cơ thể khỏe mạnh hơn, cần bổ sung nước đầy đủ, dinh dưỡng tốt và tâm trạng thoải mái là điều kiện tốt nhất cho cơ thể hồi phục khi mắc bất cứ bệnh lý nào.