Học sinh tận dụng giai đoạn “nước rút”
Thưa thầy, đối với môn Ngữ văn, ngoài thời gian được thầy cô ôn tập trực tuyến, ở nhà các em học sinh (HS) lớp 9 cần ôn luyện ra sao để có hiệu quả nhất?
- 3 tuần còn lại là giai đoạn “nước rút” để về đích trong cuộc chạy đua vào lớp 10, vì thế HS cần dành mọi tâm lực, trí lực để đạt được nguyện vọng. Ngoài thời gian học trực tuyến với các thầy cô ở 4 môn thi, thời gian còn lại là “cơ hội tuyệt vời” để HS tự kiểm tra, đánh giá, rà soát lại kiến thức, kỹ năng của bản thân mình.
Thực tế đã chứng minh, không chỉ Ngữ văn mà bất kỳ môn học nào, tự học là phương pháp hiệu quả nhất. Tôi gọi hoạt động này là “tự lắng kiến thức”, tức là HS biến các đơn vị nội dung kiến thức, kỹ năng từ sách giáo khoa, từ giáo viên thành kiến thức, kỹ năng của mình. Đây là hoạt động rất quan trọng. Trong thực tế dạy luyện thi cho thấy, những HS dành nhiều thời gian tự học, điểm số luôn cao hơn so với những em đi học thêm, học lò nhiều.
Thầy Lê Hoài Quân đang ôn tập trực tuyến môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9 chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022. |
Việc lựa chọn thời gian trong ngày để học môn Ngữ văn phụ thuộc vào “đồng hồ sinh học” của từng HS. Các em có thể học bất cứ thời gian nào, độ dài bao lâu miễn sao thấy hiệu quả. Tuy nhiên có một điều tôi lưu ý: HS không nên mặc định học Ngữ văn là phải cần đến “cảm hứng”, “năng khiếu” hay “sở trường”. Ngữ văn là một môn học, nên trước tiên HS cần đặt ra mục tiêu “ĐÚNG”, nghĩa là trả lời đúng trọng tâm câu hỏi; viết đúng kiểu đoạn văn; diễn đạt đúng ngữ pháp, nội dung câu văn; thực hiện đúng yêu cầu tiếng Việt… Còn việc sử dụng “cảm hứng, năng khiếu, sở trường” sẽ phục vụ cho tiêu chí “HAY”.
Học càng chi tiết, càng tốt
Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, theo thầy, các em ôn luyện môn thi này theo bài hay chủ đề?
- Trước hết, HS cần xác định: Không được học tủ, không học khoanh vùng mà cần ôn luyện với tinh thần học gì thi đấy, có nghĩa là tất cả các đơn vị kiến thức, kỹ năng trong chương trình đều có thể xuất hiện trong đề thi. Các em có thể học theo bài học, theo từng văn bản. Với mỗi bài, cần tìm hiểu, phân tích thật kỹ và chi tiết các đơn vị kiến thức. Và, càng chi tiết càng tốt vì HS phải thật hiểu thì mới ghi nhớ và diễn giải được nội dung vấn đề. Từ việc hiểu được nội dung kiến thức, HS có thể tự khái quát hóa các đơn vị kiến thức đó bằng nhiều cách như: Lập sơ đồ tư duy, hệ thống từ khóa, dàn ý sơ lược…
HS có thể ôn tập theo nhóm bài có cùng đề tài, thể loại hoặc cùng giai đoạn sáng tác… hoặc ôn tập theo chuyên đề.
Các em cũng cần phân mảng rõ ràng, phù hợp với cấu trúc của đề thi: Văn bản (phát hiện, đọc hiểu, cảm thụ), Tiếng Việt (phát hiện, phân tích tác dụng, vận dụng đặt câu…), viết đoạn văn (nghị luận văn chương và nghị luận xã hội).
Thầy Lê Hoài Quân khuyên các em học sinh ôn thi môn Ngữ văn càng chi tiết càng tốt để thật hiểu, mới ghi nhớ và diễn giải được nội dung vấn đề. |
Với mỗi mảng phân loại như trên cần có kỹ năng ôn tập thành các chuyên đề. Cụ thể như sau:
+Văn bản: Chuyên đề phân tích nhân vật/ phân tích chi tiết đối với truyện; phân tích đoạn thơ; phân tích tình huống, mạch cảm xúc… HS học kỹ các chuyên đề này vừa phục vụ cho huống truyện; phân tích mạch việc trả lời các câu hỏi nhỏ vừa phục vụ viết đoạn văn nghị luận văn chương trong đề thi.
+ Tiếng Việt: Từ - câu – các biện pháp tu từ - hành động nói – các phương châm hội thoại…. HS học kỹ phần này để phục vụ cho câu hỏi phát hiện, nêu tác dụng và vận dụng trong yêu cầu Tiếng Việt của viết đoạn văn.
+ Viết đoạn văn: Rèn cho HS kỹ năng nghị luận văn chương và nghị luận xã hội. HS cần xác định rõ và chính xác nội dung nghị luận để từ đó có cách lập luận phù hợp, sáng tỏ vấn đề và thuyết phục. Riêng với mảng nghị luận xã hội, HS cần đọc báo, xem thời sự để cập nhật các nội dung, thông tin phục vụ cho bài viết.
Làm các đề thi để rèn kỹ năng
Trong đề thi câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu “trình bày suy nghĩ của em về vấn đề..., về nhận định....”. Thầy có lưu ý gì đối với HS về dạng bài này để đạt điểm tối đa?
- Với dạng câu hỏi nghị luận xã hội, để đạt điểm cao, HS cần đọc kỹ yêu cầu của đề bài, xác định rõ nội dung, vấn đề cần nghị luận để từ đó phán đoán xem vấn đề, nội dung nghị luận của bài thuộc dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay nghị luận về hiện tượng đời sống, xã hội. Sau khi xác định chính xác nội dung, vấn đề nghị luận, HS sẽ triển khai dàn ý phù hợp với mỗi kiểu bài. Tuy dàn ý của mỗi kiểu bài khác nhau nhưng ở cả hai dạng bài, HS cần chú ý đến việc diễn đạt, trình bày hệ thống luận điểm, lý lẽ, dẫn chứng… sáng rõ, thuyết phục và có quan điểm cá nhân phù hợp.
Trước khi viết, HS cần gạch đầu dòng ra nháp các ý cơ bản theo trình tự lập luận để khi viết vào bài không bị dàn trải, sa đà, nội dung lan man. Các em cũng cần chú ý đến yêu cầu độ dài của đề bài.
Thí sinh có nên làm nhiều các đề thi Ngữ văn để rèn kỹ năng và biết được khả năng của mình?
- Với đặc thù môn Ngữ văn, từ việc hiểu các đơn vị kiến thức đến việc ghi nhớ là một khoảng cách; từ việc ghi nhớ đến việc thể hiện các đơn vị kiến thức đó bằng từ ngữ, câu chữ lại là một khoảng cách nữa. Do đó việc HS luyện viết là rất cần thiết.
Việc làm đề thi của các năm trước để rèn kỹ năng là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với HS. Tôi khuyên HS nên tự giác làm đề không sử dụng tài liệu, tự bấm thời gian, luyện tập cách trình bày, diễn đạt… thường xuyên để không bị bỡ ngỡ trong phòng thi. Khi các em làm đề xong thì tự so sánh với hướng dẫn chấm, đáp án và biểu điểm chấm của các đề đó để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Xin cảm ơn thầy!