Phát biểu với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi ở St. Petersburg hôm 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tình trạng trung lập của Ukraine là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với an ninh của Moscow.
Theo Tổng thống Putin, việc Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia Nga và điều này sẽ không được dung thứ.
Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, Nga không thể chấp nhận việc NATO thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự sát biên giới của Moscow.
Liên quan đến tình hình chiến sự, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng Kiev và các đối tác như Mỹ và NATO từ chối đàm phán với Moscow.
“Tất cả những khác biệt phải được giải quyết trên bàn đàm phán” - Tổng thống Putin nói với các nhà lãnh đạo châu Phi trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St. Petersburg hôm 28/7.
“Vấn đề là Ukraine từ chối đàm phán với chúng tôi. Chính quyền Ukraine hiện tại đang từ chối đàm phán và đã thông báo chính thức về điều đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh liên quan vào mùa thu năm ngoái” - ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng gốc rễ của cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev là "việc Mỹ và NATO tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh Nga". “Tuy nhiên, Washington và các đồng minh cũng từ chối đàm phán về vấn đề đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các bên, kể cả Nga” – người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý thêm.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố, Nga vẫn để ngỏ giải quyết xung đột ở Ukraine, nhưng chính lập trường của Ukraine đang cản trở cơ hội này.
"Người Ukraine kiên định với lập trường không thể hòa giải của họ, đặc biệt là hiện nay họ đang ở trong một tình huống khá khó khăn nhưng họ vẫn từ chối mọi cơ hội đối thoại" - ông Peskov cho biết.
Một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của châu Phi, bao gồm cả Tổng thống Nam Phi, Senegal và Zambia, đã đến thăm St. Petersburg và Kiev vào giữa tháng 6 để đề xuất sáng kiến hòa bình 10 điểm của họ với ông Putin và ông Zelensky.
Kế hoạch châu Phi kêu gọi đảm bảo an ninh và tự do vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, trao đổi tù binh và nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm 27/7, Tổng thống Comoros - Azali Assoumani, người đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), nói rằng ông và những người đồng cấp “chưa nhận được bất kỳ xác nhận thuyết phục nào về ý định của ông Zelensky trong việc đàm phán với Nga”.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ tháng 3 năm ngoái dù hai bên khẳng định vẫn để ngỏ đối thoại.
Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk.
Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991. Chính quyền Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, mọi kế hoạch hòa bình phải dựa trên nền tảng kế hoạch 10 điểm mà ông đưa ra hồi cuối năm ngoái.
Moscow ra cảnh báo mới về việc Mỹ chuyển đạn chùm cho Ukraine
Tass ngày 28/7 đưa tin Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng việc Mỹ chuyển đạn chùm tới Ukraine đang giáng một đòn mạnh vào tàn dư của mối quan hệ giữa Moscow và Washington.
Theo Đại sứ Antonov, các mối quan hệ Nga-Mỹ "thực tế không tồn tại vào thời điểm này", và Moscow "chắc chắn sẽ tính đến bước đi chống Nga này của chính quyền [Tổng thống Mỹ Joe Biden] khi làm việc với Washington".
Trước đó, Tổng thống Biden nói với CNN vào ngày 7/7 rằng Mỹ quyết định chuyển đạn chùm cho Ukraine do thiếu đạn thông thường. Đến ngày 13.7, trung tướng lục quân Mỹ Douglas Sims cho hay lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được đạn chùm từ Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố Moscow bảo lưu quyền sử dụng đạn chùm để đáp trả việc Ukraine sử dụng vũ khí này.