Theo Nhà Trắng, tại cuộc hội đàm hôm 14/11 diễn ra bên lề Thượng đỉnh G20 ở Indonesia, Tổng thống Biden đã chủ động đưa ra một số chủ đề khó với Chủ tịch Tập, bao gồm phản đối của Washington đối với "các hành động cưỡng chế và ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan", "các hoạt động kinh tế phi thị trường" của Bắc Kinh và các hoạt động "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông".
Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây do các vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan đến Biển Đông, và các hoạt động thương mại cũng như hạn chế của Mỹ đối với công nghệ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tạm dừng một loạt kênh đối thoại chính thức với Washington, bao gồm cả về biến đổi khí hậu và các cuộc đàm phán giữa quân đội hai nước, sau sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm nay, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục.
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, Chủ tịch Tập đã gọi Đài Loan là "lằn ranh đỏ đầu tiên" không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập cho biết: "Vấn đề Đài Loan là cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nền tảng của nền tảng chính trị trong quan hệ Trung - Mỹ và lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung - Mỹ".
"Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc" - ông Tập nói, theo truyền thông nhà nước.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Biden đã đảm bảo với ông Tập rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua, cũng như việc ủng hộ lập trường "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh, sẽ không thay đổi.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng không cần thiết phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và ông không nghĩ rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến như vậy.
"Chúng tôi sẽ cạnh tranh mạnh mẽ. Nhưng tôi không tìm kiếm xung đột, tôi muốn kiểm soát cuộc cạnh tranh này một cách có trách nhiệm" - Tổng thống Biden nói với báo giới hôm 14/11.
Giới chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực âm thầm của cả Bắc Kinh và Washington trong 2 tháng qua nhằm sửa chữa quan hệ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các phóng viên ở Bali rằng cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo nhằm ổn định mối quan hệ và tạo ra một "bầu không khí chắc chắn hơn" cho các doanh nghiệp.
Bà Janet cũng cho biết, Tổng thống Biden đã nói rõ với Trung Quốc về những lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến các hạn chế đối với các công nghệ nhạy cảm của Mỹ và nêu quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý cho phép các quan chức cấp cao hai bên nối lại liên lạc về khí hậu, thuế và các vấn đề khác. Giữa những khác biệt vẫn còn âm ỉ về nhân quyền, cuộc chiến ở Ukraine..., hai nhà lãnh đạo đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho sẽ tới Bắc Kinh để tiếp tục các cuộc đàm phán.