Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Thành... "mất" vợ!

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là con trai duy nhất trong một gia đình có tới 5 bà chị gái, nên mới ngoài 20 tuổi, anh Thành ngày ấy (nay là ông Thành) đã yên bề gia thất.

Lấy vợ năm trước, năm sau Thành đã có con đầu lòng, rồi sau đó cứ sòn sòn năm một, họ cho ra đời gần nửa tá con gái.

Đến nay ở tuổi ngoài 60, ông Thành đã có trong tay "bộ sưu tập" 5 cô con gái và cậu út. Và người trong làng đều hè nhau mà trêu rằng ông Thành giống hệt cha ở “cái đức” giỏi sinh con gái!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với thời gian, các cô con gái của ông Thành cũng khôn lớn và “đàn vịt giời” (theo cách gọi tếu táo của người trong gia đình) cũng lần lượt vỗ cánh bay đi. Riêng cậu út được chiều, và cũng hiếu học, thông minh nên “làm một lèo” xong đại học.

Đi làm rồi lập công ty riêng, có tiền tỷ trong tay, nhưng 30 tuổi Phong vẫn chưa chịu lấy vợ. Mỗi lần tết nhất, giỗ chạp, chuyện vợ con của cậu út luôn là đề tài được bàn tán nhiều nhất.

Thế rồi năm 33 tuổi, Phong cũng lấy vợ. Vợ Phong người ngoài phố - con gái độc nhất của một gia đình cự phú. Sau cưới dù bố mẹ vợ nhiều lần đề nghị ở rể, nhưng Phong không không đồng ý, bởi cơ ngơi của anh đâu có kém nhà vợ. Phong lấy vợ năm trước, năm sau ông Thành đã có đích tôn, khỏi phải gia đình vui đến nhường nào.

Thuộc hạng điều kiện có thừa, nên vợ chồng Phong đẻ liền tù tì một mạch 4 đứa toàn con trai. Đến lần sinh thứ 5 thì vợ chồng Phong mới có mụn con gái. Và họ “dừng lại số 5 cho đẹp”.

Với 5 đứa trẻ lít nhít kiểu trứng gà trứng vịt, dù đã có hai người giúp việc, cộng với ông bà ngoại cũng thường xuyên giúp đỡ, nhưng lúc nào gia đình Phong cũng bận rộn. Nhưng được cái là vui…

Đương nhiên là với điều kiện của Phong, anh có thể thuê thêm người giúp việc; nhưng ông Thành không đồng ý. Ông cho rằng bên ngoại đã giúp, thì bên nội cũng phải đỡ một tay.

Vậy là ông bán hết trâu bò, lợn gà, hơn mẫu ruộng ở quê thì cho người khác cấy, vợ ông là bà Thảo phải ra phố để giúp vợ chồng con trai trông nom đàn cháu.

Là người có tính trào lộng, nên đôi lúc người ta hỏi vợ đâu, ông Thành đều lấp lửng câu “mất rồi”… thực ra, bà Thảo chỉ ra phố trông cháu.

Những ngày đầu vắng vợ, người ta thấy ông Thành có vẻ thảnh thơi…, sáng gọi mấy ông bạn cùng trang lứa thưởng trà, trưa tiện chỗ nào thì sà vào làm chén rượu, chiều tối lại cốc bia hơi.

Nhưng lối sinh hoạt kia không kéo dài, bởi trong làng mấy ai được rảnh việc như ông Thành. Người ta còn phải lo ruộng nương, trâu bò, thời gian đâu mà hầu chuyện, dần dà ông chỉ lủi thủi một mình.

Mà thú tiêu khiển một mình thì còn gì chán bằng, “chè tam rượu tứ” các cụ nói cấm có sai.

Từ đấy người trong làng ít thấy ông Thành đi quán xá, ông lủi thủi nấu nướng một mình. Thói đời ăn một mình (thực ra cũng chả đau tức đâu), nhưng mà tủi; thế là từ chỗ bữa nào nấu ăn bữa đó, ông Thành nấu một bữa ăn cả ngày.

Cơm sốt chuyển thành nguội, ăn uống kiểu này lâu ngày cũng chán, nấu ra nhiều, ăn thì ít, trút đi trút lại mãi đồ dẫu ngon cũng thành nhàm. Rồi ông chuyển sang “cơm dây” (tức là mì tôm). Đến bữa chỉ cần đun chút nước sôi, đổ vào 2 phút sau là có cái chén, nhanh - ngon - bổ rẻ…

Sau mấy tháng chỉ “cơm dây” trường, chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa bắt đầu hành hạ ông Thành, từ chỗ béo tốt, người ông gầy rộc đi.

Từ đận ấy, sáng sáng người làng thấy ông Thành lóc cóc ra chợ, lúc mớ rau, khi lạng thịt lo cho bữa ăn hằng ngày; khoản “cơm dây” buộc phải loại khỏi thực đơn.

Trong một lần về thăm nhà, thấy bố cũng đã có tuổi nhưng lọ mọ sống một mình, Phong nhất quyết bắt bố phải ra thành phố; nhưng ông Thành cũng chỉ thăm con cháu mấy hôm rồi kiên quyết về, vì ông còn trách nhiệm hương khói cho tổ tiên…

Chả hiểu từ bao giờ, mỗi khi “trà dư tửu hậu”, cánh đàn ông trong làng thường gật gù với nhau rằng, không có con trai cũng khổ, có lại khổ hơn.

Bởi “khi chúng lấy vợ thì mình mất con; khi chúng có con thì mình “mất vợ”. Mà đàn ông ở cái làng này đông lắm, chẳng biết họ có “trọng nam - khinh nữ” hay không, nhưng nhà nào cũng có ít nhất một đứa con trai.

Nhưng đám con trai làng bây giờ cứ lớn lên là ra thành phố kiếm việc, chẳng mấy đứa quay về nông thôn. Vậy thì chuyện bố chúng nó “mất vợ” chỉ là thời gian chóng hay chầy!