Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump có đang 'mắc kẹt' với những chiến thuật cũ?

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang loay hoay với những chiến thuật tranh cử mà ông đã áp dụng từ cách đây 8 năm trước đối thủ hoàn toàn mới.

Sau vụ ám sát hụt hồi tháng 7, ông Trump được kỳ vọng sẽ hướng đến các thông điệp mang tính ôn hòa và đoàn kết đảng phái hơn. Song thay vào đó, cựu tổng thống Mỹ vẫn duy trì việc công kích các gương mặt phía đảng Dân chủ, thậm chí cả những thành viên đảng Cộng hòa không cùng quan điểm với mình.

Trong bối cảnh ngày càng bị đối thủ mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Phó tổng thống Kamala Harris, nới rộng khoảng cách trong các cuộc thăm dò, những động thái gần đây của ông Trump khiến nhiều người liên tưởng đến cách thức tranh cử từng được ông áp dụng năm 2016. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa lo ngại những “chiêu cũ” này sẽ phản tác dạng, dù chúng từng tỏ ra hiệu quả trong việc đưa ông Trump lên đỉnh vinh quang năm 2016.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo "dấu ấn" với những lần công kích đổi thủ của mình.. Ảnh:  Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo "dấu ấn" với những lần công kích đổi thủ của mình.. Ảnh:  Reuters
Nỗ lực tạo ra “Hillary Clinton mới”

Cách đây 8 năm, ông Donald Trump, khi đó còn là tỷ phú bất động sản và ngôi sao truyền hình, đã gây sốc với tuyên bố lần đầu tranh cử tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu bất hủ “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” cùng lời hứa xây tường ngăn người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam.

Từ đó, với tư cách ứng viên đảng Cộng hòa, ông Trump tạo dựng dấu ấn cho chiến dịch tranh cử của mình qua việc chế nhạo, đả kích, thậm chí miệt thị các đối thủ của mình, từ các ứng viên vòng sơ loại đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ thời điểm đó. Bất chấp những điều tiếng, chiến thuật này tỏ ra hiệu quả trong việc thu hút một số lượng đông đảo cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump, góp phần tạo nên chiến thắng kịch tính của ông cuối năm 2016.

Đến năm 2020, Tổng thống Trump tiếp tục chiêu bài trên với đối thủ mới - cựu Phó tổng thống Joe Biden. Chiến dịch của ông Trump liên tục lan truyền những thông điệp chế giễu các vấn đề tuổi tác, sức khỏe tâm thần của ông Biden, đồng thời cáo buộc cựu phó tổng thống Mỹ điều hành "chiến dịch ngầm" trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, 4 năm điều hành nước Mỹ bị cho là bất ổn, cùng với sự lúng túng trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19 trong nước, khiến cho chiến thuật này không còn phát huy hiệu quả. Ông Trump nhận thất bại chung cuộc khi thất cử ở cả những bang “chiến địa” như Georgia và Arizona, những nơi đảng Dân chủ không thể giành chiến thắng suốt nhiều năm.

Chiến thuật năm 2016 của ông Trump không còn hiệu quả với đối thủ Joe Biden năm 2020. Ảnh: Reuters
Chiến thuật năm 2016 của ông Trump không còn hiệu quả với đối thủ Joe Biden năm 2020. Ảnh: Reuters

Sang năm 2024, công thức tranh cử cách đây 8 năm lại được ông Trump áp dụng thêm lần nữa với đối thủ hiện tại – Phó tổng thống Kamala Harris. Một số nhà phân tích tin rằng chiến thuật này trở nên lỗi thời trước một ứng cử viên trẻ trung như bà Harris thay vì một nhà lãnh đạo cao tuổi như Joe Biden.

“Chiến dịch tranh cử của ông Trump gặp bế tắc trong việc tạo ra sự thù địch đối với bà Harris tương tự những gì đã làm với bà Hillary Clinton,” Mike DuHaime, cựu giám đốc chính trị của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, nhận định. “Bà Harris ít gây điều tiếng hơn bà Clinton, nên hình ảnh sẽ khó bị bôi nhọ hơn”.

"Chiêu cũ” hết phép?

Theo báo USA Today, nhiều bằng chứng cho phương thức tranh cử “không giống ai” của ông Trump có thể gặp vấn đề trong năm nay. Nếu như ban đầu, nhiều cử tri còn nhận thấy phong cách “đâm bị thóc, chọc bị gạo” là mới mẻ, thẳng thắn và trực diện, thì sau đó 8 năm, chúng trở nên nhàm chán, lặp đi lặp lại và có phần lạc lõng.

Chuyên gia khảo sát Frank Luntz cho rằng, ông Trump đang quá mải mê với việc công kích cá nhân mà chưa tập trung vào những vấn đề nổi cộm như lạm phát và nhập cư, trong khi cử tri Mỹ muốn thấy những hành động thiết thực của cựu tổng thống Mỹ hơn những lời nói suông. Hơn nữa, ông Trump cũng khó giành chiến thắng chỉ với nền tảng người ủng hộ bảo thủ của mình, mà cần phải tiếp cận các thành phần cử tri ôn hòa hơn, những người đang dần bị thu hút bởi các chiến dịch của Phó tổng thống Harris.

Karoline Leavitt, người phát ngôn của cựu Tổng thống Trump, thì lại cho rằng chiến dịch của ông Trump vẫn rất quy củ và đáng tin cậy. Bà khẳng định “tuần trăng mật” của Phó tổng thống Harris bắt đầu “tiêu tan”, bởi “một khi cử tri hoàn toàn hiểu được sự nguy hiểm trong những chính sách cấp tiến của Kamala Harris và người đồng hành Tim Walz, họ sẽ quay lưng với bà ấy và quyết định bỏ phiếu cho Tổng thống Trump”.

Bản thân ông Trump tuần này cũng tuyên bố trước báo giới rằng ông thấy không cần thiết phải điều chỉnh chiến lược tranh cử, đồng dự đoán ông sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Ông Donald Trump khẳng định không điều chỉnh chiến lược tranh cử với Phó tổng thống Kamala Harris. Ảnh: CNN
Ông Donald Trump khẳng định không điều chỉnh chiến lược tranh cử với Phó tổng thống Kamala Harris. Ảnh: CNN

Dù vậy, ông Frank DuHaime tin rằng động lực cuối mùa Hè trong chiến dịch tranh cử của bà Harris mang lại lợi thế cho phó tổng thống Mỹ và lúc này. Lợi thế này sẽ tiếp tục tăng thêm sau kỳ Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ bắt đầu vào ngày 19/8 tới.

“Bất cứ khi nào không nói về kinh tế, lạm phát, v.v. thì ông ấy (Trump) đều mắc sai lầm”, ông DuHaime nói. “Tôi có cảm giác kịch bản năm 2020 sẽ tái diễn, khi cuộc bầu cử đang trở thành cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Trump, Điều này vốn dĩ dành cho Tổng thống Biden trước khi ông ấy rời nhiệm sở”.

Nắm bắt lợi thế mới

Ở tuổi 78, ông Trump bước trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất lịch sử trong bối cảnh Tổng thống tuyên bố không tái tranh cử. Vì thế, vấn đề tuổi tác, thứ từng thường được ông Trump xem như lợi thế trước ông Biden, giờ trở thành điểm bất lợi của chính ông.

Tuy nhiên, cơ hội chiến thắng dường như vẫn chia đều cho cả hai, khi kết quả thăm dò gần đây cho thấy chênh lệch tỷ lệ cử tri ở các bang chiến địa quan trọng nhất còn rất sít sao. Ngoài ra, ông Trump vẫn có những lợi thế nhất định trong các vấn đề then chốt như nhập cư và kinh tế.

“Bà Harris đang thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng từ vấn đề tuổi tác và năng lực sang hệ tư tưởng và hiệu suất. Nếu biết nắm bắt lợi thế kinh nghiệm giữa 2 vấn đề mới này, ông Trump càng có cơ hội giành chiến thắng”, Cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich cho biết với USA Today.

Ông Gingrich cũng khuyên cựu tổng thống Mỹ bám sát các vấn đề giá trị hơn, đồng thời tránh việc công kích cá nhân nếu không muốn rơi vào tình huống “gậy ông đập lưng ông”.