Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump sẽ dùng "chiêu cũ" để thay đổi kết quả bầu cử năm nay?

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kênh CNN mới đây tiết lộ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sử dụng 5 chiến lược để thay đổi kết quả cuộc bầu cử sắp tới trong trường hợp gặp bất lợi trước Phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo đó, khi ngày bầu cử đang cận kề, ông Trump và đội ngũ tranh cử của mình sẽ một lần nữa áp dụng các chiến lược tương tự như năm 2020, trong đó có việc tích cực khuếch đại những tuyên bố không có căn cứ về gian lận bầu cử nhằm tạo nền tảng tranh chấp trong trường hợp thất cử.

Chiến lược đầu tiên mà ông Trump và ekip hướng đến là "tập trung mạnh mẽ vào Pennsylvania" — một tiểu bang chiến trường quan trọng. "Ông Trump đã tuyên bố mà không có bằng chứng rằng đối thủ của ông đang gian lận ở tiểu bang này, cả trên phương tiện truyền thông xã hội của ông và tại các cuộc vận động tranh cử,” CNN tiết lộ.

"Tại cuộc vận động cử tri ở thành phố Allentown, Pennsylvania hôm 29/10, ông Trump tuyên bố rằng việc phát hiện hàng trăm đơn đăng ký cử tri bị nghi ngờ là giả mạo ở Quận Lancaster là bằng chứng gian lận", kênh tin tức này cho biết thêm. Tuy nhiên, theo cựu Thư ký tiểu bang Pennsylvania Kathy Boockvar, phát hiện này thực tế cho thấy hệ thống kiểm tra gian lận của hệ thống kiểm phiếu đang hoạt động hiệu quả.

Cựu tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động cử tri ở thành phố Allentown, Pennsylvania hôm 29/10. Ảnh: lehighvalleylive
Cựu tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động cử tri ở thành phố Allentown, Pennsylvania hôm 29/10. Ảnh: lehighvalleylive

Chiến lược thứ hai mà ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đang tạo tiền đề cho sự can thiệp vào cuộc bầu cử là thông qua "cỗ máy thông tin sai lệch của tỷ phú Elon Musk".

"Tuần trước, tại bang Michigan, Tổng thư ký Jocelyn Benson đã cố gắng phản bác lại một tuyên bố mà ông Musk chia sẻ về những cử tri đã đăng ký tại Michigan, và cáo buộc tỷ phú này đang "phát tán những thông tin sai lệch nguy hiểm". Đáp trả, ông Musk tuyên bố Tổng thư ký Benson đang "nói dối công chúng một cách trắng trợn'", CNN cho biết.

Kênh tin tức này còn lưu ý rằng người giàu nhất thế giới đang cổ xúy những tuyên bố cho rằng có nhiều lá phiếu bầu sớm ở Michigan được kiểm đếm hơn cả những cử tri đã đăng ký bỏ phiếu sớm, dù văn phòng của Tổng thư ký Benson cho biết đây chỉ là "sự cố định dạng" và dữ liệu đã được sửa chữa.

Ở chiến lược thứ ba, ông Trump và các đồng minh của đảng Cộng hòa bị cho là đang "thao túng số liệu bỏ phiếu sớm".

Theo CNN, cựu tổng thống Mỹ từng "tuyên bố chiến thắng vì ông đang dẫn trước, bỏ qua thực tế là các lá phiếu trực tiếp, vốn có xu hướng bầu cho đảng Cộng hòa, luôn được kiểm trước các lá phiếu gửi qua đường bưu điện, thường có xu hướng bầu cho đảng Dân chủ nhiều hơn".

Tuy nhiên, vì đảng Cộng hòa đã "chấp nhận bỏ phiếu qua thư trong năm nay và không có đại dịch nào thúc đẩy hàng triệu người bỏ phiếu theo cách đó, nên một hiện tượng tương tự vẫn có thể xảy ra trong cuộc bầu cử này".

Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa giờ đây đã khuyến khích bỏ phiếu qua đường bưu điện, dù vẫn chỉ trích tính minh bạch của hình thức này. Ảnh: X
Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa giờ đây đã khuyến khích bỏ phiếu qua đường bưu điện, dù vẫn chỉ trích tính minh bạch của hình thức này. Ảnh: X

Chiến lược thứ tư mà ông Trump muốn áp dụng để ngăn chặn kết quả bầu cử là thông qua "những tuyên bố không có căn cứ về tình trạng bỏ phiếu tràn lan của những người không phải công dân Mỹ".

CNN, dẫn lời các chuyên gia, lưu ý rằng tình trạng phiếu bầu bất hợp pháp của những người không phải công dân Mỹ là điều rất hiếm gặp và khi xảy ra, nó thường bị phát hiện một cách nhanh chóng. Một cuộc kiểm toán gần đây của giới chức bang Georgia đối với 8,2 triệu cử tri đã ghi danh bầu cử chỉ phát hiện 20 người không phải công dân Mỹ đã đăng ký, trong đó chỉ có 9 người đã bỏ phiếu.

Và ở chiến lược cuối cùng, cựu Tổng thống Trump đang khơi dậy "nỗi lo ngại về một nỗ lực khác nhằm thách thức kết quả bầu cử".

Quốc hội Mỹ đã thực hiện các bước "để ngăn chặn mọi nỗ lực lặp lại biến cố đầu năm 2021", bằng cách cập nhật "Đạo luật Kiểm phiếu" - bộ luật quy định việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ của quốc hội vào ngày 6/1. 

Tuy nhiên, phong trào "Stop the Steal" (ngăn chặn đánh cắp cuộc bầu cử) từng được những người ủng hộ ông Trump khởi xướng năm 2020, đã tái xuất trong năm nay. Nhiều nhà hoạt động của phong trào nói với những người ủng hộ rằng cách duy nhất cựu tổng thống Mỹ có thể thua vào năm 2024 là thông qua gian lận.

Tại Georgia, những người phe bảo thủ đã tìm cách cho phép các viên chức bầu cử cấp quận từ chối chứng nhận kết quả bầu cử, dù nỗ lực này đã bị một thẩm phán tiểu bang ngăn chặn.

Tổng thống Trump bị cho là đang khơi dậy "nỗi lo ngại về một nỗ lực khác nhằm thách thức kết quả bầu cử". Ảnh: X
Tổng thống Trump bị cho là đang khơi dậy "nỗi lo ngại về một nỗ lực khác nhằm thách thức kết quả bầu cử". Ảnh: X

Để đối phó với tình hình, nhiều quan chức địa phương và tiểu bang đang chủ động bác bỏ các thông tin sai lệch. Họ cũng nhấn mạnh rằng phần lớn cử tri sẽ có trải nghiệm bỏ phiếu nhanh chóng và suôn sẻ, dù là bỏ phiếu sớm, qua thư hay vào Ngày bầu cử.

Bên cạnh đó, các nỗ lực bảo vệ điểm bỏ phiếu và nhân viên kiểm phiếu vào ngày bầu cử, bao gồm cả việc sử dụng kính chống đạn, nút báo động cầm tay và mở đường dây liên lạc công khai với cơ quan thực thi pháp luật địa phương ... đều được triển khai.

CNN cho rằng, tuy cuộc bầu cử 2024 đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thông tin sai lệch và những nỗ lực phủ nhận kết quả, hệ thống bầu cử Mỹ vẫn có những biện pháp bảo vệ vững chắc để đảm bảo tính toàn vẹn của quá trình bầu cử. Điều quan trọng là cử tri cần tỉnh táo trước những thông tin sai lệch và tin tưởng vào các quy trình kiểm tra đã được thiết lập.