Ông Trump tức giận vì tên lửa đạn đạo vừa công bố của Triều Tiên?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức Mỹ được cho đã nhanh chóng phản ứng, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng diễn ra cuộc duyệt binh đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó trưng bày một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới được tin là tiên tiến nhất của nước này từ trước đến nay.

Hình ảnh tên lửa mới của Triều Tiên, được công bố hôm 10/10. 
Phóng viên an ninh quốc gia Mỹ của Vox dẫn lời nguồn tin giấu tên cho biết, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sự tức giận của mình trước sự hiện diện của tên lửa đạn đạo (ICBM) mới, được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un công bố tại một cuộc diễu binh hôm 10/10.
Phân tích hình ảnh về ICBM mới cho thấy, nó lớn hơn Hwasong-15, vốn từng là ICBM tiên tiến nhất của Triều Tiên, có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ.
"ICBM mới, có lẽ là Hwasong-16, dường như dài khoảng 25 - 26m và đường kính 2,5 - 2,9m, nghĩa là dài hơn khoảng 4 - 4,5m và đường kính lớn hơn khoảng 0,5m so với ICBM Hwasong-15 từng được nhìn thấy một lần hồi tháng 11/2017", các nhà phân tích của Trung tâm Henry L. Stimson viết.
Các chuyên gia này ước tính: "Về nguyên tắc, tên lửa mới có thể mang trọng tải 2.000 - 3.500kg, và có khả năng vươn đến bất kỳ điểm nào trên lục địa Mỹ nhưng là lớn hơn nhiều so với tên lửa Hwasong-15 được đánh giá ở cùng tầm bắn".
Cho rằng đây có thể là "ICBM di động lớn nhất thế giới" - một phần là do các quốc gia có ICBM thường tìm cách làm cho khi tài di động của họ nhỏ hơn để cơ động và dễ che giấu hơn - giới quan sát đưa ra giả thuyết rằng Bình Nhưỡng có thể đang nỗ lực phát triển nhiều phương tiện bay có thể nhắm mục tiêu độc lập (MIRV) - công nghệ cho phép thực hiện nhiều cuộc tấn công hạt nhân với một tên lửa duy nhất.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, "Chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy rất đáng thất vọng khi CHDCND Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm".
Một cam kết thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa đã được Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ký thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên, được tổ chức tại Singapore vào tháng 6/2018.
"Mỹ vẫn ưu tiên tầm nhìn mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đặt ra ở Singapore, kêu gọi Triều Tiên tái tham gia vào các cuộc đàm phán bền vững và thực chất để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn", vị quan chức nói thêm.
Chủ tịch Kim Jong-un tại lễ diễu binh kỷ niệm hôm 10/10.
Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple cho biết, Mỹ đang phân tích sự kiện này với sự tham vấn của các đồng minh châu Á: "Chúng tôi đã nắm được các báo cáo liên quan đến cuộc duyệt binh. Quá trình phân tích của chúng tôi đang diễn ra và chúng tôi đang tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh trong khu vực".
Trong bài phát biểu lúc nửa đêm ngày 10/10, đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết đất nước của ông sẽ không bao giờ sử dụng khả năng phòng thủ của mình "như một phương tiện để tấn công phủ đầu", nhưng nó sẽ tiếp tục tăng tính răn đe đối với kẻ thù.
"Nếu và chỉ nếu, bất kỳ lực lượng nào xâm phạm an ninh của quốc gia chúng ta và cố gắng sử dụng vũ lực quân sự chống lại chúng ta, tôi sẽ tranh thủ tất cả sức mạnh tấn công mạnh mẽ nhất của chúng ta trước để trừng phạt chúng", ông Kim tuyên bố.
Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un được cho đã không đề cập đến Mỹ - vốn là chủ đề chính của bất kỳ bài phát biểu quan trọng nào của các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong quá khức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần