Theo đài RT, trong bài trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 10/11, Tổng thống Zelensky nói rằng, ông không từ bỏ kế hoạch đàm phán với Nga. Trong khi Moscow khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Kiev thì lập trường của nhà lãnh đạo Ukraine về vấn đề này đã thay đổi nhiều lần kể từ khi xung đột nổ ra.
“Tôi không đóng cửa với các cuộc đàm phán. Tôi đã nói rằng chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là một nước Nga khác. Một nước Nga thực sự muốn hòa bình. Họ cần trả lại mọi thứ," ông Zelensky nêu rõ, ám chỉ yêu cầu của ông cho rằng Nga phải từ bỏ bán đảo Crimea – khu vực sáp nhập vào Nga từ năm 2014, và 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 vừa qua.
Đồng thời, Tổng thống Zelensky cũng nhắc lại ý định đưa nước này gia nhập NATO – một động thái mà Nga sẽ không bao giờ chấp nhận do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Hồi đầu tuần này, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới gây sức ép “buộc Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình thực sự” trước khi đưa ra một loạt điều kiện, trong đó yêu cầu Moscow trả lại những vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập và bồi thường tài chính.
Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng cách duy nhất để đạt được mục tiêu giành lại lãnh thổ có thể là đánh bại Nga trên chiến trường. Hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã ký một sắc lệnh cấm tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/11 cho biết quan điểm của Moscow về các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn không thay đổi: “Chúng tôi vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán, chúng tôi chưa bao giờ từ chối họ, chúng tôi sẵn sàng tiến hành đàm phán” – bà Zakharova nói tại cuộc họp báo.
Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cuộc đàm phán trong tương lai với Ukraine khó có thể thành công, vì bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước sẽ bị “hủy bỏ ngay lập tức theo lệnh của phương Tây”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 10/11 cho biết nước này đang gửi đạn, tên lửa và các hệ thống phòng không trị giá 400 triệu USD tới Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 10/11, Phó phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, đợt viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine chủ yếu bao gồm đạn pháo và tên lửa phòng không tầm ngắn. Mỹ cho biết lô vũ khí mới sẽ giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo Lầu Năm Góc, quân đội Ukraine sẽ nhận được 21.000 quả đạn pháo 155mm, 500 quả đạn Excalibur dẫn đường chính xác, 10.000 viên đạn cho súng cối 120mm hạng nặng và một số lượng đạn chưa xác định cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Mỹ cũng đã cam kết cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống phòng không Avenger, cũng như các tên lửa Stinger dùng cho 4 tổ hợp này. Trong gói viện trợ lần này của Mỹ còn có tên lửa dành cho các tổ hợp phòng không Hawk.
Bên cạnh các thiết bị quân sự kể trên, Mỹ còn cung cấp cho Ukraine thêm 100 chiếc xe Humvee, 400 súng phóng lựu, một lượng vũ khí nhỏ và 20 triệu viên đạn cho những vũ khí này.
Gói vũ khí này dự kiến sẽ sử dụng nguồn quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) do Quốc hội Mỹ trích lập, cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua thay vì lấy vũ khí từ các kho hiện có của Mỹ.
Theo người phát ngôn Singh, trong tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III sẽ chủ trì cuộc họp lần thứ bảy của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, nhóm có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO.