OPEC+ chưa chốt được chính sách sản lượng do Nga và Ả Rập Saudi bất đồng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp bàn về chính sách ngày 4/1, các nước thành viên OPEC+ chưa thống nhất được về sản lượng dầu trong tháng 2 tới do quan điểm trái chiều của Nga và Ả Rập Saudi.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ nối lại các cuộc đàm phán trong ngày 5/1, sau khi các cuộc đàm phán về mức sản lượng dầu cho tháng 2/2021 gặp bế tắc vì Nga và Ả Rập Saudi còn bất đồng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
OPEC+ kéo dài đàm phán sang ngày 5/1 để thảo luận về kế hoạch sản lượng sau khi gặp bế tắc.
Tại cuộc họp chính sách hôm 4/1, Ả Rập Saudi phản đối việc tăng sản lượng và viện dẫn tình trạng phong tỏa diện rộng tại nhiều nước trên thế giới để ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng. Trong khi đó, phía Nga kêu gọi cần tăng cường sản xuất vì nhu cầu năng lượng toàn cầu đang phục hồi.
Trước thềm cuộc họp trực tuyến của OPEC+, Nga phát tín hiệu ủng hộ liên minh tăng nguồn cung thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 2 tới. Tuy nhiên, phía Riyadh, vốn ủng hộ sự thận trọng hơn, chưa phát tín hiệu có thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Các nguồn tin cho hay Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đề nghị giữ sản lượng ổn định.
Cuộc đàm phán trực tuyến kéo dài 3 tiếng đã không đi đến được thỏa thuận cuối cùng nào. Do vậy các nguồn tin thân cận nói rằng OPEC+ đã đưa ra quyết định bất thường là kéo dài đàm phán sang ngày thứ hai. Các bên dự kiến sẽ tiếp tục họp vào chiều 5/1.
Cũng trong ngày 4/1, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi  Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ nên thận trọng dù thị trường năng lượng nhìn chung có tín hiệu lạc quan.
Bộ trưởng Salman cho rằng triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu còn mong manh khi dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến đáng lo ngại, buộc nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế và nhu cầu năng lượng ở các nước đó.
Bên cạnh đó, biến thể mới nguy hiểm hơn của dịch Covid-19 sẽ còn mang đến nhiều diễn biến khó lường. Vì vậy, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kêu gọi OPEC+ cần thận trọng với chính sách sản lượng.
Hội nghị cấp bộ trưởng của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh tiêu thụ “vàng đen” trong năm 2020 sụt kỷ lục do dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Ryadh với Moscow. Mặc dù đã phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm ngoái, triển vọng đi lên của giá dầu hiện vẫn rất bấp bênh.
Giá dầu Brent và WTI hiện đang ở mức 50 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá đạt được hồi đầu năm 2020. Tính chung trong năm 2020, giá dầu Brent đã giảm 22,5%, còn dầu WTI lao dốc 21,4%. Tuy nhiên, cả 2 loại mặt hàng dầu chủ chốt này đều đã tăng hơn gấp đôi so với mức thấp nhất trong 10 năm ghi nhận vào hồi tháng 4/2020.
Sau hội nghị gần đây nhất kéo dài từ ngày 30/11 - 3/12/2020, nhóm OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1.
Trước đó, liên minh này được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021.
Điều được các nhà phân tích dầu mỏ quan tâm trong thời điểm hiện tại là liệu kịch bản thị trường dầu mỏ năm 2020 có lặp lại trong năm 2021 hay không?
Theo kế hoạch, chiến lược giảm nguồn cung kỷ lục của OPEC+ nhằm cân bằng thị trường trong trung hạn kéo dài đến tháng 4/2022, bắt đầu với mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 5 - 6/2020, sau đó giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 6 triệu thùng/ngày trong 16 tháng còn lại.
Tuy nhiên, mức cắt giảm theo chính sách điều hành sản lượng của OPEC+ đã được điều chỉnh ở mức 7,2 triệu thùng/ngày cho quý I/2021, trước những diễn biến mới của thị trường năng lượng, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhà phân tích Bjornar Tonhaugen từ công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy nhận định theo kế hoạch kiểm soát sản lượng dầu hiện tại, nguồn cung sẽ dự kiến thặng dư từ tháng 2 - 4/2021, trước khi nhu cầu phục hồi từ tháng 5 trở đi. Theo chuyên gia Tonhaugen, việc OPEC+ quyết định không tăng sản lượng dầu sẽ giữ lượng dư cung ở mức có thể kiểm soát được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần