Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 kết phiên tăng 1,48 USD, tương ứng 2,2%, lên 68,21 USD/thùng. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 7 đóng cửa tăng 2,11 USD, tương đương 2,8%, lên 77,50 USD/thùng tại thị trường London .
Giá "vàng đen" trong các phiên gần đây đã lao dốc do lo ngại rằng OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, có thể sẽ quyết định nâng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt từ Iran và Venezuela .
Theo tin từ Reuters dẫn lời một nguồn tin có liên quan đến Ả Rập Saudi, các nước thành viên trong và ngoài OPEC có ý định tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho đến hết năm 2018. Sau khi đạt đỉnh kể từ cuối năm 2014, giá dầu giảm mạnh trong tuần trước sau khi có tin OPEC và Nga đang thảo luận kế hoạch tăng sản lượng, có thể ở mức 1 triệu thùng/ngày.
Các nước trong và ngoài OPEC bắt đầu giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017 và gia hạn thỏa thuận này đến hết năm 2018, nhằm thu hẹp lượng dư cung và đẩy giá dầu đi lên.
Trong một báo cáo công bố ngày 30/5, các chuyên gia phân tích tại ngân hàng ICICI có trụ sở tại Mumbai nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 71 USD/thùng trong năm nay so với mức 64 USD/thùng trước đó. Tuy vậy, các chuyên gia này vẫn cho rằng giá dầu có thể giảm từ mức hiện tại.
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi và Nga có khả năng sẽ bơm thêm dầu trong nửa cuối năm nay để “ứng phó” với tình hình các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sụt giảm và giá tiêu dùng tăng lên. Các nước OPEC dự kiến sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 22/6 tới.
Theo khảo sát sơ bộ của hãng tin Reuters, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ phần nào do lượng dầu dự trữ tại nước này có thể giảm đi khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước.