Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung dù giá dầu chạm đỉnh 4 tháng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới trong tháng 7 đã tăng hơn 14% so với tháng 6 và ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2022 do nguồn cung thắt chặt.

Nhóm OPEC+ tiếp tục giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại. Ảnh: AP
Nhóm OPEC+ tiếp tục giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại. Ảnh: AP

Theo Reuters, tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/8, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (nhóm OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện nay của liên minh này.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến, Ủy ban trên nêu rõ sẽ tiếp tục đánh giá cẩn thận các điều kiện thị trường, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng.

Nhóm OPEC+ đã đạt được nhất trí về việc hạn chế nguồn cung tại cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+, không bao gồm số cắt giảm tự nguyện bổ sung của Ả Rập Saudi, Nga và Algeria, đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Nguồn cung dầu bị thắt chặt đã khiến giá “vàng đen” tăng hơn 14% trong tháng 7 và hiện được giao dịch gần 86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4.

Ngoài lo sợ về nguồn cung ít thì nhu cầu tăng cũng đã góp phần nâng giá dầu trong bối cảnh những lo ngại về tác động của lãi suất tăng và lạm phát cao đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần hạ nhiệt.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Ả Rập Saudi thông báo sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9, tức kéo dài thêm một tháng so với trước.

Hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Saudi (SPA) đã dẫn một nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng nước này cho biết việc cắt giảm sản lượng có thể được gia hạn hoặc thậm chí tăng mức cắt giảm. Theo nguồn tin này, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia trong tháng 9/2023 sẽ là gần 9 triệu thùng/ngày.

Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9 để góp phần cân đối thị trường dầu mỏ.

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak,việc giảm sản lượng xuất khẩu nêu trên nằm trong nỗ lực cân đối thị trường dầu mỏ. Trước đó, Nga đã cam kết giảm sản lượng dầu mỏ khoảng 500.000 thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu mỏ của nước này, từ tháng 3 vừa qua đến cuối năm nay.

Trong khi đó, Algeria tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng 20.000 thùng/ngày ngay trong tháng 8 này.

Sản lượng dầu OPEC thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters được công bố ngày 31/7, sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống trong tháng 7, sau khi Ả Rập Saudi tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng và nguồn cung từ Nigeria bị hạn chế.

OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng 7, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Giá dầu tăng hơn 14% trong tháng 7. Ảnh: AP
Giá dầu tăng hơn 14% trong tháng 7. Ảnh: AP

Như vậy, sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày, một phần do Nigeria và Angola không thể sản xuất như mức đã thống nhất.

Theo khảo sát, sản lượng của Ả Rập Saudi trong tháng 7 đã giảm 860.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.

Mức giảm lớn thứ hai là ở Nigeria, nơi tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng vận chuyển dầu thô Forcados do khả năng rò rỉ ở cảng xuất khẩu này.

Bên cạnh đó, sản lượng tại Libya cũng giảm xuống khi hoạt động ở nhiều mỏ bị đình trệ do biểu tình. Tuy nhiên, khảo sát của Reuters cho thấy sự gia tăng sản lượng dầu tại Angola và Iraq đã hạn chế mức giảm của OPEC trong tháng 7.

Nhu cầu không ổn định

Giá dầu mỏ đã tăng bất chấp những lo ngại về việc một số ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dai dẳng - một động thái có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc và giảm nhu cầu nhiên liệu.

Tại Mỹ, mặc dù thị trường lao động thắt chặt, nhưng một số nhà phân tích cho biết triển vọng lạm phát tiếp tục được cải thiện.

Cùng với đó, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại trong tháng 7/2023 do các doanh nghiệp phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn mặc dù nhu cầu của nền kinh tế tiếp tục được duy trì, cho thấy con đường dẫn đến lạm phát thấp có thể dài và chậm.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ING lưu ý: “Các chỉ số hoạt động của ISM (Viện Quản lý Cung ứng) cho thấy ngành sản xuất tại Mỹ đang suy thoái và sản lượng của ngành dịch vụ tăng trưởng yếu ớt”.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, ngân hàng trung ương nước này đã cam kết sẽ đưa nhiều nguồn lực tài chính hơn vào nền kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25%, ghi dấu lần tăng thứ 14 liên tiếp. BoE cảnh báo rằng chi phí đi vay có thể sẽ ở mức cao trong thời gian tới.

Tại châu Âu, hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu  Eurozone trở nên tồi tệ hơn so với dự kiến trong tháng 7, trong bối cảnh hoạt động sản xuất sụt giảm, cùng với ngành dịch vụ, vốn là ưu thế của khối, tăng chậm lại.