OPEC và Nga sẽ làm gì để giữ giá dầu không “sụp đổ”?

Nguyễn Phương (Theo Oilprice)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đang cân nhắc tăng nhẹ sản lượng trong nửa cuối năm 2019 trong bối cảnh thị trường đang thắt chặt hơn.

OPEC+ thận trọng với thỏa thuận sản lượng
Các nước thành viên OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, vừa có cuộc họp tại Jeddah (Ả Rập Saudi) hôm 19/5 vừa qua để đánh giá tình hình thị trường dầu mỏ và thảo luận về kế hoạch sản lượng dầu mỏ trong những tháng còn lại của năm. Cuộc họp kỹ thuật này diễn ra trước cuộc họp tháng 6 tại Vienna (Áo), nơi liên minh dự kiến ​​sẽ chốt phương án cho thỏa thuận sản lượng của Nhóm OPEC+.
OPEC+ có thể quyết định gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu mỏ cho đến hết năm nay vì liên minh này sợ giá “vàng đen” lại lao dốc mạnh nếu như việc cắt giảm sản xuất bị đảo ngược trong vài tháng tới.
 Các nước OPEC và Nga đang cân nhắc thận trọng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Hiện các quan chức dầu mỏ của Nhóm OPEC+ đang cân nhắc thận trọng để đưa ra quyết định về sản lượng trước một loạt các dữ liệu đang gây bối rối. Trên thị trường dầu toàn cầu, lượng tồn kho đã thu hẹp mạnh, nhưng không thay đổi nhiều trong những tháng gần đây. Tại Mỹ, dầu tồn kho đang tăng mạnh. Dữ liệu này rõ ràng khiến các quốc gia vùng Vịnh lo ngại rằng thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến sự “sụp đổ” về giá nữa nếu họ đồng ý tăng sản lượng.
Tuy nhiên, các chỉ số khác lại có xu hướng tăng giá. Đường cong tương lai dầu thô Brent đang ở trạng thái bù hoãn bán khá dốc, trong khi thị trường giao ngay có vẻ thắt chặt với các chuẩn nhất định tăng lên trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.
“Hiện chúng ta đã đạt đến giai đoạn mà sự chênh lệch dầu thô trên toàn cầu và trên tất cả các sàn đều mạnh mẽ”, Greg Newman - đồng giám đốc điều hành của Onyx Commodities, nói với Bloomberg tuần trước. “Chỉ có một kết luận, đó là thị trường giao ngay đang thiếu dầu mỏ. Với tình hình hiện tại, giá rõ ràng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi nhu cầu giảm”.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 19/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih nói rằng còn nhiều việc phải làm để kiểm soát nguồn cung dầu. “Trong nửa cuối năm nay, ưu tiên của chúng tôi là duy trì quản lý sản xuất để giữ tồn kho tiếp tục giảm dần, một cách nhẹ nhàng nhưng chắc chắn giảm dần về mức bình thường”, Bộ trưởng al-Falih nói với các phóng viên.
Ông al-Falih cũng nhấn mạnh rằng Riyadh “không bị mắc lừa” bởi giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng. Người đứng đầu ngành dầu mỏ Ả Rập Saudi cho biết hiện thị trường năng lượng vẫn đang chịu nhiều sức  ép.
Thậm chí, Nga cũng bày tỏ quan điểm rằng sự gia tăng sản xuất còn tùy thuộc vào nhu cầu mạnh mẽ. “Hôm nay, chúng tôi đang xem xét các phương án khác nhau cho nửa cuối năm 2019 bao gồm giảm bớt các mức sản xuất dầu mỏ”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên. “Nếu có sự tăng trưởng về nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng xem xét và giảm thiểu các giới hạn đó, phục hồi một phần trong sản xuất”, ông Novak nói.
Cân nhắc 2 kịch bản
Trong cuộc họp tại Jeddah cuối tuần trước, OPEC và các đối tác đã xem xét một vài kịch bản trong điều hành chính sách sản lượng. Ả Rập Saudi và các nước thành viên OPEC khác được cho là muốn giữ nguyên quy định cắt giảm trong khi Nga nghiêng về việc nới lỏng cắt giảm.
Theo Reuters, cả RiyadhMoscow đang cân nhắc hai lựa chọn, đều nghiêng về trường hợp tăng sản lượng dầu mỏ.
Phương án đầu tiên sẽ bao gồm giảm mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận xuống chỉ còn 0,9 triệu thùng mỗi ngày trong tương lai.
Phương án thứ hai sẽ kêu gọi kết thúc việc tuân thủ vượt hạn  mức 1,2 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm sâu hơn so với yêu cầu của Ả Rập Saudi và sự sụt giảm nguồn cùng tại Iran và Venezuela do lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được bù đắp bằng nhiều thùng dầu hơn từ nơi khác. Kế hoạch này được dự đoán sẽ khiến sản lượng tăng 0,8 triệu thùng mỗi ngày.
Phương án thứ 2 có thể dẫn đến nhiều nguồn cung hơn trên thị trường, song nó vẫn sẽ chính thức duy trì mức  cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, mà OPEC không muốn thay đổi.
Các quan chức hàng đầu từ các quốc gia vùng Vịnh đang tỏ ra do dự với đề xuất hạ thấp mức cắt giảm từ 1,2 xuống 0,9 triệu thùng/ngày. “Tôi không nghĩ việc nới lỏng cắt giảm là một lựa chọn tốt”, Bộ trưởng năng lượng Emirati Suhail al-Mazroui cho biết, theo tờ Wall Street Journal. Họ chỉ muốn đưa sự tuân thủ quá mức trở lại bình thường.
 Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, phía Nga lại muốn cắt giảm từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống 0,9 triệu thùng/ngày, điều này có lẽ sẽ mang lại cho họ nhiều khả năng hơn để tăng sản lượng.
Tuy nhiên, hiện Nhóm OPEC+ vẫn chưa quyết định lựa chọn bất kỳ kịch bản nào. Điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại là tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường trong 1 tháng nữa trước khi hành động.
Giá dầu đã leo dốc hơn 30% kể từ đầu năm đến nay chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm của Nhóm OPEC+ khiến nguồn cung trên thị trường siết chặt hơn. Nhưng có hai vấn đề không ai muốn nhắc tới, đó là nguy nguy cơ gián đoạn nguồn cung và một đợt suy thoái kinh tế tiềm ẩn.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với IranVenezuela đã dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng tại hai nước này. Giá dầu vẫn có khả năng tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục tăng nhiệt có thể làm khuếch đại sự giảm tốc kinh tế toàn cầu vốn đang diễn ra, tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ./.
.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần