|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ông David Dao không chấp thuận và dẫn đến vụ việc đáng tiếc là người này bị lực lượng an ninh “kéo lê” xuống khỏi máy bay. Một phần nguyên nhân của vụ việc là do chính sách Overbook mà hãng United Airlines áp dụng. Vậy Overbook là gì và nó có ảnh hưởng thế nào đến hành khách cũng như các hãng hàng không?
Trên thực tế, chính sách bán Overbook trong ngành hàng không nhằm mục đích chủ yếu là giúp các hãng tối đa hóa lợi nhuận; một phần nhỏ khác là để phục vụ những hành khách có việc cần phải bay vào giờ “chót” nhưng không còn chỗ để đặt.
Hiện rất nhiều các chuyến bay đều có một tỷ lệ nhất định hành khách đã mua vé, đặt chỗ nhưng bỏ chuyến, trong khi đó, không ít hành khách khác có nhu cầu lại không còn chỗ. Do đó, căn cứ vào tỷ lệ khách hủy chỗ mà các hãng hàng không có chính sách bán Overbook với những tỷ lệ khác nhau, tùy thời điểm bay, đường bay…
Cách tính toán tỷ lệ Overbook hiện được làm bằng máy. Theo đó, khi được cung cấp số liệu về số lượng ghế được đặt, thời gian khách đặt chỗ, thời điểm trong năm, lịch sử số lượng khách bỏ chuyến... cùng nhiều dữ liệu khác, phần mềm sẽ tính toán ra tỷ lệ overbook trên một chuyến bay nhất định.
Căn cứ vào dự báo của máy, hãng sẽ bán ra số lượng vé Overbook nhất định. Sẽ không có vấn đề gì nếu số chỗ trên chuyến bay nhiều hơn số khách, nhưng nếu số khách đi chuyến bay đó nhiều hơn số chỗ có thể cung ứng thì một số khách sẽ bị cắt lại. Và tất nhiên, những khách mua vé giá rẻ sẽ là đối tượng bị cắt đầu tiên bởi chi phí bồi thường thấp.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết, tại Việt Nam, chính sách Overbook được cơ quan quản lý cho phép và ủng hộ do nó có lợi cho cả đôi bên.
“Tuy nhiên, Cục luôn khuyến cáo và yêu cầu các hãng hàng không tính toán chặt chẽ, có cơ chế điều hành, tỷ lệ Overbook thích hợp để tối ưu hóa doanh thu mà không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi khách hàng” - ông Cường khẳng định.
Hiện tại ở Việt Nam chỉ có duy nhất Vietnam Airlines cho phép bán Overbook. Đại diện hãng này cho biết, theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không được phép áp dụng chính sách bán quá chỗ cung ứng trên máy bay. Lý do đặc thù của ngành hàng không là hàng hóa không trữ được, không có hàng tồn kho, nếu khách bỏ chuyến sát giờ sẽ bị trống ghế. Vì thế các hãng hàng không đều có chính sách Overbook với tỷ lệ cao nhất khoảng 20%.
Trên thực tế, trước đây đã có nhiều trường hợp hành khách bức xúc vì bị đẩy sang bay chuyến khác vì hãng áp dụng Overbook, trong khi tỷ lệ khách bỏ chuyến không nhiều như dự báo.
Điều này được lý giải do hệ thống phần mềm trước đây chưa thực sự chuyên nghiệp như hiện nay, dẫn đến tính toán dự báo tỷ lệ ghế trống chưa chuẩn, hoặc 2 khách check - in cùng một ghế. Tình trạng này đã được cải thiện 1,2 năm trở lại đây khi Bộ GTVT yêu cầu các hãng kiểm soát tình trạng Overbook, đặc biệt là vào các dịp cao điểm.
Quy định là vậy, nhưng để hạn chế bồi thường, không loại trừ khả năng hãng hàng không “lách luật” bằng những thông báo chậm chuyến, chuyển qua chuyến sau. Như vậy, hãng vừa không phải bồi thường, hành khách cũng không biết mình thuộc diện “thừa” bị cắt lại. Theo một số đại lý bán vé máy bay, thường vào những dịp cao điểm đi lại như nghỉ lễ kéo dài hay Tết Nguyên đán, tỷ lệ Overbook khá cao.
Theo quy định tại các Thông tư của Bộ GTVT, trong trường hợp hành khách không được đi chuyến bay dự kiến mặc dù đã có vé và đã được xác nhận chỗ do chuyến bay bị hủy, khởi hành sớm hoặc do chuyến bay bị bán overbook, hãng hàng không có nghĩa vụ thông tin cho hành khách lý do bị từ chối vận chuyển, phục vụ hành khách và bồi thường ứng trước không hoàn lại như đối với trường hợp chậm chuyến tương ứng.