Overture và cuộc đua mới cho du lịch hàng không

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Đã gần 20 năm kể từ khi Concorde bay lần cuối cùng. Mặc dù nhiều công ty đã bắt đầu đưa du lịch siêu thanh trở lại cuộc sống kể từ đó, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy điều này thành hiện thực.

Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp Boom Supersonic có trụ sở tại Colorado (Mỹ) đang thực hiện một số bước nhảy vọt trong nỗ lực biến khả năng bay siêu thanh trở thành hiện thực.

Thiết kế tinh tế

Gần hai năm sau khi tung ra mẫu thử nghiệm siêu thanh XB1, Boom đã tiết lộ một thiết kế mới quan trọng cho chiếc máy bay chở khách Overture rất được mong đợi của mình, sẽ bay với tốc độ gấp đôi tốc độ của các máy bay thương mại cận âm ngày nay và dự kiến sẽ chở những hành khách đầu tiên vào năm 2029.

United sẽ là hãng hàng không đầu tiên của Mỹ khai thác máy bay Overture. Ảnh: Boom
United sẽ là hãng hàng không đầu tiên của Mỹ khai thác máy bay Overture.
Ảnh: Boom

 

Các hình vẽ của chiếc máy bay đã được phát triển trong vài năm này đã được tiết lộ trong tuần này trong một cuộc họp báo tại Triển lãm hàng không Farnborough, một sự kiện thương mại hàng không có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Theo Kathy Savitt - Chủ tịch kiêm Giám đốc kinh doanh của Boom Supersonic, thiết kế tinh tế này là kết quả của khoảng 26 triệu giờ mô phỏng phần mềm, 5 lần kiểm tra đường hầm gió và 51 lần làm lại thiết kế.
Savitt nói với CNN từ Boom Chalet tại Triển lãm hàng không Farnborough: “Chúng tôi phải thực sự dành thời gian để học hỏi, lặp đi lặp lại các thử nghiệm. Không gì bằng có một chiếc máy bay thực tế để học hỏi, ngoài các chương trình mô phỏng và giờ tính toán”.

Những lo ngại về tiếng ồn, cùng với tác động môi trường của nó, đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Concorde và Boom sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng chiếc máy bay phản lực siêu âm này vừa bền vững, vừa yên tĩnh hơn.

Savitt giải thích: “Tầm nhìn của chúng tôi luôn hướng tới Overture là chiếc máy bay sạch đầu tiên được phát triển và tối ưu hóa để chạy bằng 100% nhiên liệu hàng không bền vững. Và ngày nay so với thời của Concorde, chúng tôi có thể sử dụng vật liệu composite carbon trên khắp thân máy bay, trên cánh và trên đuôi thẳng đứng, điều này cho phép chúng tôi trở nên khí động học hơn và hiệu quả hơn rất nhiều. Điều này giúp giảm lực cản, vốn tiêu tốn nhiên liệu, cũng như giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều”.

Theo Savitt, việc đưa động cơ thứ tư vào thiết kế máy bay sẽ giúp giảm tiếng ồn đáng kể, trong khi Overture sẽ sử dụng hệ thống giảm tiếng ồn tự động đầu tiên trên thế giới.

Cô giải thích: “Chúng tôi thực sự tập trung vào việc làm thế nào để quá trình cất cánh và hạ cánh của chúng tôi diễn ra yên tĩnh, nếu không muốn nói là yên tĩnh hơn bất kỳ máy bay chở khách đường dài nào khác khởi hành từ bất kỳ sân bay nào. Và đó là những gì chúng tôi đã có thể đạt được. Chúng tôi sẽ không bay siêu thanh trên đất liền.

"Chúng tôi sẽ bay siêu thanh trên mặt nước. Vì vậy, có thể nói rằng đó là “sự bùng nổ” ở trên biển cả. Nhưng chúng tôi vẫn đang bay với tốc độ Mach 0.94 trên đất liền và điều thực sự quan trọng đối với chúng tôi là mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh các sân bay, bằng cách thực sự giải quyết tiếng ồn”.

Nhóm nghiên cứu tại Boom cho biết, máy bay dự kiến đi vào sản xuất vào năm 2024, sẽ bay với tốc độ Mach 1.7 trên mặt nước với tầm hoạt động 7.870km và có sức chứa từ 65 - 80 hành khách.

Vào tháng 1/2023, United Airlines đã đặt hàng 15 máy bay phản lực siêu thanh, có khả năng bay từ New York đến London chỉ trong 3 tiếng rưỡi.
Trong khi đó, Japan Airlines đã đầu tư 10 triệu USD vào Boom vào năm 2017 và có thể được chọn mua tới 20 máy bay.

Ngoài ra, startup hàng không này mới đây cũng công bố hợp tác với công ty công nghệ quân sự Mỹ Northrop Grumman để phát triển một biến thể quân sự của Overture.

Cuộc đua và cuộc cách mạng du lịch hàng không?

Nỗ lực nâng cao tốc độ của máy bay chở khách đã lấy được đà trong những năm gần đây.

NASA đã hợp tác với nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin để phát triển X-59, một máy bay siêu thanh thử nghiệm “yên tĩnh”, nhằm thu thập dữ liệu sẽ được chia sẻ với các cơ quan quản lý của Mỹ và quốc tế nhằm giúp xác định các quy tắc mới cho các chuyến bay siêu thanh.

Đầu năm nay, nhà sản xuất máy bay Bombardier đã xác nhận rằng phương tiện thử nghiệm của họ, Global 7500, đã phá vỡ rào cản âm thanh trong chuyến bay trình diễn vào tháng 5/2022, đạt tốc độ hơn Mach 1.015.

Quay trở lại năm 2020, công ty khởi nghiệp hàng không Aerion đã tiết lộ kế hoạch cho một chiếc máy bay chở khách thương mại tốc độ Mach 4+ có tên Aerion AS3, nhưng công ty có trụ sở tại Florida này đã sụp đổ vào năm sau.
Blake Scholl, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Boom, đã lưu ý trong một tuyên bố vào tháng này rằng, Overture sẽ “thay đổi cơ bản cách chúng ta nghĩ về khoảng cách”. Boom hiện có hơn 600 tuyến đường khác nhau trên khắp thế giới được lên kế hoạch cho Overture.

Máy bay siêu thanh có thể thực sự là tương lai của du lịch, hay nó chỉ là một giấc mơ viển vông sẽ không bao giờ thực sự thành hiện thực?

Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó, nhưng những tiến bộ do Boom đạt được, cũng như thành tích tốc độ cao của phương tiện thử nghiệm chuyến bay Bombardier Global 7500 và sự tham gia của NASA, chắc chắn là những bước phát triển thú vị và đầy hy vọng.

Savitt tin rằng, Overture có khả năng cách mạng hóa ngành du lịch hàng không giống như cách máy bay phản lực khổng lồ 747 của Boeing ra mắt thương mại vào năm 1970 và được mệnh danh là “Nữ hoàng bầu trời”. “Cuối cùng, chúng tôi muốn thúc đẩy một sự thay đổi mô hình, trong đó siêu thanh thực sự trở thành cách mà mọi người muốn bay. Trong 10 - 15 năm tới, chúng tôi hy vọng nó sẽ là lựa chọn hàng đầu khi đi du lịch, bởi vì nó tạo ra sự khác biệt” - cô nói.

 

 Overture là một máy bay vận tải siêu thanh Mach 1.7, chở 65 - 80 hành khách với tầm bay 7.870km, được Boom Supersonic lên kế hoạch giới thiệu vào năm 2029. Boom Supersonic tuyên bố rằng với 500 đường bay khả thi, công ty có thể có thị trường cho 1.000 máy bay siêu thanh với giá vé hạng thương gia.