Sóng Covid đợt hai bùng phát khắp nơi. Tại Pháp, bệnh viện quá tải, tuy số người chết không nhiều bằng đợt đầu, do bác sĩ đã có kinh nghiệm và việc vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang bắt buộc ở các cửa hàng, nơi công cộng được áp dụng triệt để.Từ tối ngày 17/10, một số vùng đông người hoạt động, buộc phải thực hiện lệnh giới nghiêm từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Lệnh giới nghiêm của Tổng thống Pháp thực hiện ngay tối thứ Sáu, kéo dài 4 tuần, 6 tuần, và nay đã nới đến 15/12/2020, nếu ai vi phạm ở mức độ cao nhất có thể bị tù 6 tháng. Sau cách ly xã hội, Paris tiếp tục vắng lặng bởi quy định nghiêm ngặt: trừ cảnh sát, nhân viên y tế, những người có nhiệm vụ phải ra khỏi nhà thì tất cả phải ở trong nhà từ 20 giờ đến sáng hôm sau. Các tiệm ăn, buộc phải đóng cửa trước 20 giờ. Nhân viên và khách hàng cũng phải về nhà trước khi đồng hồ điểm 21 giờ. Ngoài một số có giấy phép đặc biệt vì công việc, ai vi phạm luật sẽ bị phạt 135 euros lần đầu, tái phạm 1.500 euros, tiếp tục phản kháng thì mời thăm khám bóc lịch giải sầu.
Paris - Thủ đô Ánh sáng, nổi tiếng về văn hóa, lại phải tắt bớt đèn. Tiếng Pháp thật hay, từ “giới nghiêm” “couvre-feu” dịch trực nghĩa là “che lửa” hay "tắt đèn". Đường phố đêm vắng tanh. Ngồi nhà xem tivi, máy tính cũng chán, mất cái thú thưởng thức thực thụ cũng như nếm trực tiếp món ăn mới thấy hương vị thơm ngon. Mọi người yêu văn hóa thèm tự do, nên càng khát khao tự do. Giới văn nghệ như chồn chân. Nước Pháp nổi tiếng thế giới bởi đề cao hai chữ Tự do. Hộp đêm và các nơi sinh hoạt văn hóa thường hoạt động vào đêm như sân khấu, rạp chiếu bóng thất thu, coi như bị đóng cửa. Trước hôm giới nghiêm một ngày, biết tin sẽ có lệnh cấm đi đêm, tôi liều bát phố để tận hưởng ánh sáng trước lúc “tắt điện”. Đêm khuya vắng lặng nhưng khán giả trong nhà hát vẫn đông. Khán giả phải đăng ký trước, cứ từng cụm ngồi cách nhau 1 ghế. Tưởng chỉ có dăm người, không ngờ phòng kín (trừ ghế trống bắt buộc). Tan diễn, mọi người phải ngồi lại, chờ người hướng dẫn mới được ra để tránh đông. Một số người không thẻ cư trú liều đứng bán rong kiếm vài bạc cắc trước các rạp chiếu, nhà hát, cổng tàu điện ngầm, bến xe đều phải ngưng. Nạn thất nghiệp tăng lên. Trộm cắp, cướp giật, “nhảy dù” lợi dụng luật chiếm nhà khi chủ vắng hoành hành. Quốc hội Pháp vội họp và thống nhất 32 phiếu thuận, 1 phiếu chống, về lệnh trong vòng 48 tiếng cho đuổi ngay kẻ nhảy dù chui vào nhà bất hợp pháp và phạt 3 năm tù, 15.000 euros dù mùa Đông (trước kia bị cấm đuổi người nhảy dù sau 15/10…). Một số người do Covid không thường xuyên về nhà phụ nghỉ cuối tuần, hoặc về quê, nhà con cái để thực hiện lệnh tự cách ly, nhà trống bị nhảy dù vào ở.Lệnh giới nghiêm chỉ là bắt buộc vì sức khỏe cộng đồng,Tổng thống E.Macron đề nghị mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh. Một số người từng phản đối việc đeo khẩu trang, giờ tham gia biểu tình chống lệnh giới nghiêm. Trước mấy hôm, nhiều chủ quán bar đã biểu tình phản đối đóng cửa. Ngay tối 17/10, cảnh sát buộc phải can thiệp để giải tán hộp đêm, và đoàn biểu tình chống giới nghiêm tự phát. Các thùng rác bị đạp đổ lăn lóc suốt dọc phố. Tổng thống Macron có lý khi nói "Covid 19 là một đại chiến". Ông cũng khẳng định sự thiệt thòi lớn của lớp thanh niên vừa ra trường, không có đất dụng võ ngay vì Covid hạn chế tuyển dụng người.Nhiều sinh hoạt văn hóa về đêm vừa được phép mở, lại tạm thời ngưng hoặc chuyển sang ban ngày. Hội Aurore - Ánh Sáng (do tôi sáng lập và điều hành) và Hội MCFV (Phong trào người Pháp gốc Việt) may vừa tổ chức xong triển lãm tranh ảnh sách cho cộng đồng gặp gỡ trước lệnh giới nghiêm 10 ngày. Internet trở thành điểm hẹn.Paris buồn vắng lặng. Tháp Eiffel vẫn tỏa sáng ban đêm giữa mùa Đông đến sớm. Tự do bị hạn chế. Mọi người mong Covid qua đi, để kinh đô ánh sáng của thế giới lại ngập tràn ánh sáng lộng lẫy, hoa lệ quyến rũ như ấn tượng bao thế kỷ nay.