Petrovietnam với khát vọng và tầm nhìn phát triển năng lượng

Bài, ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua một năm thành công, vượt qua nhiều thách thức, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã thiết lập nhiều kỷ lục trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Riêng Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng được vinh danh Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022. Nhân dịp đầu Xuân, ông Lê Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về dự định, kế hoạch, chiến lược phát triển năng lượng bền vững của Petrovietnam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Mở rộng lĩnh vực tiềm năng

Hơn 60 năm truyền thống, Petrovietnam luôn thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dầu khí.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao đổi với các chuyên gia tại công trường lắp ráp Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen Na Uy.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao đổi với các chuyên gia tại công trường lắp ráp Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen Na Uy.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, đơn vị hướng đến mục tiêu năm 2035 xây dựng Petrovietnam trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và khu vực, hoạt động lĩnh vực năng lượng, công nghệ và công nghiệp, đồng bộ trong tất cả các khâu, có tiềm lực tài chính mạnh, có năng lực khoa học công nghệ, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn trong nước và quốc tế.

Về cơ hội của Petrovietnam trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK), ông Lê Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống, NLTTNK là một trong những loại hình năng lượng mà đơn vị sẽ tập trung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Với định hướng đó, Petrovietnam đã phân tích, đánh giá thách thức, cơ hội, thế mạnh của mình, cũng như tình hình tham gia NLTTNK của các đơn vị trong chuỗi cung ứng; xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, xác định mô hình hợp tác để không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật, sớm làm chủ công nghệ, từ thiết kế cơ bản, chế tạo, cung ứng, lắp đặt, vận hành, chạy thử, bảo dưỡng dự án NLTTNK.

Là DN Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, Petrovietnam và các đơn vị thành viên có nhiều lợi thế, tiềm năng, năng lực để triển khai các dự án NLTTNK. Sự tăng trưởng của NLTTNK sẽ mang lại cơ hội cho những đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi như Vietsovpetro, PTSC, PVC-MS...

Minh chứng gần đây, PTSC chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió, điện gió ngoài khơi của nhà thầu trong và ngoài nước. Vietsovpetro cũng đã và đang cung ứng các dịch vụ liên quan để thực hiện các dự án trên biển. Việc Petrovietnam tham gia vào NLTTNK sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, tránh lãng phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế và đặc biệt góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Về chiến lược dài hạn, Petrovietnam đã rà soát đội ngũ nhân sự, tập trung đánh giá thị trường NLTTNK trong nước, khu vực và trên thế giới để hoạch định chiến lược lâu dài. Tập đoàn cũng đã giao cho Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo sáng kiến lập pháp về hành lang pháp lý liên quan đến NLTTNK. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở giao nhiệm vụ này cho Tập đoàn, đây sẽ là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

“Từ nay đến 2030, thời điểm chuyển mình của các DN năng lượng trong đó có Petrovietnam còn rất ngắn. Tập đoàn và các đơn vị phải chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng tạo đà cho việc tái tạo kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực NLTTNK đầy tiềm năng và lợi thế” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm

Theo ông Lê Mạnh Hùng, năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu... Đặc biệt, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU..., lãi suất, lạm phát tăng mạnh; xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc… dẫn đến xu hướng thu hẹp sản xuất trên thế giới, xuất khẩu suy giảm, giảm nhu cầu tiêu thụ điện, khí... Đây là những rủi ro mà Petrovietnam phải tiếp tục quản trị biến động, xây dựng kế hoạch dự phòng, tận dụng cơ hội để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023.

Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục quản trị tốt hệ thống sản xuất và tài chính DN; triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải đi vào vận hành thương mại trong quý I/2023; có phương án cho Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Dự án Nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Dự trữ năng lượng Long Sơn...

Đặc biệt, Dự án Khí điện Lô B phải có phương án triển khai đáp ứng thời điểm dòng gas đầu tiên tối ưu nhất. Ngoài ra, Petrovietnam cũng tiếp tục xử lý triệt để các dự án khó khăn, tìm phương án thoát lỗ cho các DN đang gặp khó.

Bước sang năm 2023, Petrovietnam tiếp tục củng cố và đổi mới công tác quản trị, trong đó quản trị biến động là trọng tâm. Tiếp đến là quản trị dựa trên nền tảng số, thúc đẩy kết nối các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần