Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Lê Văn Cương: Người đứng đầu phải quyết liệt

Nguyễn Vũ (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth- Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là rất cần thiết trong tình hình hiện nay, nhưng để phát huy hiệu quả, không chỉ mang tính hình thức thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.

PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)
PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)

Hiện khoảng 10 tỉnh, TP đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, ông nhận định như thế nào trước bước tiến mới này?

- Trước hết phải khẳng định, với cá nhân tôi đây là một thông tin rất đáng mừng. Nhiều năm theo dõi các vấn đề liên quan đến PCTNTC, tôi nhận thấy việc xử lý các sai phạm đang được T.Ư làm rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tinh thần ấy ít nhiều đã được truyền tải xuống địa phương, dần khắc phục tình trạng chúng ta hay nói là "trên nóng dưới lạnh".

Nhưng thực tế cho thấy, tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực; số lượng các vụ án tham nhũng ngày càng nhiều, có tính chất phức tạp; nhiều vụ án tham nhũng có tổ chức với sự tham gia của nhiều người… Do vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ở thời điểm này là rất phù hợp và cần thiết đưa công tác PCTNTC thành một hệ thống thông suốt.

Quy chế hoạt động cũng rất quan trọng, vừa qua T.Ư đã ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ… bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ. Điều tôi quan tâm nhất trong quy chế hoạt động này chính là mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo với cấp ủy cũng như T.Ư.

Ban Chỉ đạo không chỉ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mà còn phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư. Việc này sẽ tạo ra sự chặt chẽ, kiểm soát được sự lạm quyền cũng như buông lỏng, không làm hết trách nhiệm.

Vậy theo ông, để phát huy hiệu quả của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh trong PCTNTC tại chính địa phương, có vấn đề gì cần lưu ý?

- Theo tôi, trước hết cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; bên cạnh quy chế hoạt động cũng cần rạch ròi về chế độ làm việc, quan hệ công tác, thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại địa phương. Và quan trọng hơn hết là vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của người đứng đầu; công tâm, trung thực để không xảy ra tình trạng bao che, nể nang, xử lý "nương tay" các vi phạm tại địa phương mình.

Từ thực tiễn cho thấy, nếu người đứng đầu các địa phương thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong PCTNTC thì công tác này sẽ đi vào thực chất, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong Nhân dân. Do đó, trưởng ban chỉ đạo, các phó trưởng ban, ủy viên ban chỉ đạo phải là những người gương mẫu, trách nhiệm, phải nhận thức được trọng trách của mình là PCTNTC.

Để phát huy vai trò người đứng đầu, trước hết là làm tốt việc nêu gương đã được chỉ ra trong các quy định của T.Ư. Nhưng nếu chỉ hô hào nêu gương không thì chưa đủ. Một nguyên lý của chính trị học quyền lực đến đâu thì giám sát đến đó. Vì quyền lực mà không giám sát sẽ tha hóa. Giao quyền lực cho cán bộ mà không có biện pháp, cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ dễ lạm dụng, biến công quyền thành tư quyền.

Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy địa phương lại cộng thêm Trưởng Ban PCTNTC, việc kiểm tra, giám sát càng phải tương xứng với quyền lực này. Dó đó, Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư phải thường xuyên có kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo PCTCTN tại địa phương, người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ và quyền hạn.

Như vậy, chắc chắn với việc các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm những đột phá mới cho công tác này, đặc biệt trong việc phòng ngừa từ sớm, từ xa, thưa ông?

- Tôi rất có niềm tin với việc này. Thực tế trong thời gian qua có thể thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan được trao quyền, nhiều vụ án tham nhũng lớn ở địa phương đã được phanh phui, làm sáng tỏ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở đã bị xử lý với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng điều đó cho thấy, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi.

Do vậy, Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh sẽ “chia lửa” với T.Ư trong việc chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của chính địa phương mình, không phải đợi khi có sự vào cuộc của T.Ư mới làm sáng tỏ.

Xin cảm ơn ông!