PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Chúng tôi muốn làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sách giáo khoa bị loại!

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho biết, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại rất có lợi cho người học nên không phải chỉnh sửa.

Trưa 23/11, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Kế Hào - người đại diện cho Trung tâm Công nghệ Giáo dục gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ về việc SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại cho biết: Mong muốn của chúng tôi lúc này là sớm được làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chúng tôi muốn bộ SGK Công nghệ giáo dục được sử dụng khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới vì có lợi cho dân. Không chỉ thế, SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục có lợi hơn hẳn những SGK khác đã và đang được thực hiện.
“Hiện nay, SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã được trên 920.000 học sinh lựa chọn (chiếm 60% trên tổng số học sinh lớp 1) ở 48 tỉnh thành như Lai Châu, Lào Cai, Bình Phước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên... Sách này được các phụ huynh tự nguyện dùng vì thấy có lợi cho con em của họ. Khi học hết lớp 1, các em đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả, không tái mù chữ, thậm chí có nơi còn chữa được ngọng” – PGS Kế Hào khẳng định.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định hai bộ sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh.
Vì thế, “nếu Hội đồng thẩm định quốc gia yêu cầu điều chỉnh, chúng tôi sẽ không thực hiện. Vì SGK không phải là pháp lệnh. Sách có mục tiêu và chuẩn đầu ra đáp ứng là được. Sách cũng không vi phạm về chính trị, khoa học” - ông Hào nói. Nếu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần chứng minh thì căn cứ vào các hội đồng thẩm định từ trước đến nay, đánh giá của các địa phương và mời một số chuyên gia xem xét thêm.
Trước đó, ngày 22/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào – Trung tâm Công nghệ giáo dục về bộ SGK công nghệ giáo dục.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”. Đồng thời, rà soát, thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Chiều 22/11, tại buổi họp báo công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết: Liên quan đến SGK công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại, khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư đến Thủ tướng cũng có gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký thư trả lời và gửi qua đường hành chính rất rõ ràng. Bộ GD&ĐT cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để nói rõ về việc sách của GS của  GS Hồ Ngọc Đại vì sao không đạt và cũng trả lời cho PGS.TS Nguyễn Kế Hào.
 SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã được trên 920.000 học sinh ở 48 tỉnh thành lựa chọn.
Ông Thái Tài cho biết, ngay trong quá trình thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định đã đối thoại với chính tác giả 2 lần. Lần thứ nhất là tác giả lên trình bày bản thảo nội dung của mình. Trong lần đó, Hội đồng thẩm định đã có những trao đổi về quan điểm, nội dung. Sau 7 ngày làm việc, Hội đồng đã phân tích những yếu tố từ bản thảo và sau đó khi có kết luận cuối có mời chính tác giả SGK lên thông báo và hỏi tác giả có ý kiến gì không. Tại buổi đối thoại đó, GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì.
“Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định và quyền lợi của tác giả được ghi trong Thông tư 33. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với những người liên quan; nếu có nhu cầu tiếp tục đối thoại, chúng tôi sẽ xin ý kiến tham mưu củai Bộ trưởng để tiếp tục tiến hành...” – ông Thái Văn Tài cho biết.
Còn về việc Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm”, ông Tài phản hồi: Trong năm 2017, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cho đánh giá lại các nội dung liên quan đến nội dung SGK Tiếng Việt 1 chương trình công nghệ. Tại thời điểm đó, hội đồng đã kết luận bản thảo sách này chỉ phù hợp với chương trình hiện hành, điều chỉnh cho đến khi triển khai chương trình GDPT mới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những nội dung mà Bộ GD&ĐT đã tiến hành trong thời gian vừa rồi” – ông Tài cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần