PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Phiếu tín nhiệm - công cụ để cán bộ tự soi lại mình

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lần nữa, vấn đề “lấy phiếu tín nhiệm” lại được dư luận quan tâm nhiều khi Quốc hội đang sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, với những điểm mới được đưa ra, đây là một cơ chế để giám sát quyền lực hiệu quả, bởi đã là cán bộ có chức, có quyền thì phải hành xử, làm việc bảo đảm được sự tín nhiệm.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc 
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc 


Thước đo uy tín của cán bộ

Việc Quốc hội đang thảo luận để thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) là một bước tiến mới để thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị. Là một nhà nghiên cứu, ông nhận định thế nào về những điểm mới đang rất được quan tâm?

- Quốc hội và HĐND các cấp đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm, lần lấy phiếu gần đây nhất là vào nửa cuối năm 2018, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này ở cơ quan dân cử, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Qua theo dõi thông tin, tôi nhận thấy, Dự thảo Nghị quyết đang được thảo luận đã bám rất sát tư tưởng của Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, có những điểm mới nổi bật so với Nghị quyết trước đây.

Trong đó, đặc biệt là về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định "người được lấy phiếu tín nhiệm có 1/2 đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất…

Việc đề cập tới khoảng thời gian thực hiện hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có kết quả “tín nhiệm thấp” đã cho thấy, kết quả phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây.

Có thể nói, việc dự thảo Nghị quyết này thể hiện được tinh thần trách nhiệm của Quốc hội đối với người được bầu, phê chuẩn giữ các chức vụ; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Qua những lần lấy phiếu tín nhiệm trước cho thấy, dù không có ai phải đưa sang mức “bỏ phiếu tín nhiệm”, nhưng có những người ở đợt trước tín nhiệm không cao sau đó chắc hẳn đã phải suy nghĩ, nâng cao bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết. Kết quả ở lần lấy phiếu sau mức độ tín nhiệm đối với họ đã có sự chuyển biến hơn.

Trong các nội dung liên quan, chúng ta thấy vấn đề “từ chức” nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân, dư luận; được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn và chính tại nghị trường Quốc hội. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải coi việc “từ chức” là một chuyện rất bình thường, không phải là “gánh nặng” của tất cả các bên liên quan hay đáng chịu sự đánh giá khắt khe và khác nhau từ xã hội.

Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức, rộng hơn là trách nhiệm đạo đức đối với công vụ, họ có thể xin thôi việc nếu họ tin rằng mình đã không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Do đó, khi quy định về lấy phiếu tín nhiệm, làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, cho việc từ chức, có thể chỉ là một kênh, nhưng phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Bởi chính qua việc lấy phiếu tín nhiệm, nếu cán bộ không còn đủ tín nhiệm, không còn đủ khả năng để bảo đảm công việc, thì việc từ chức cũng là chuyện bình thường, giúp tháo gỡ sự trì trệ, nút thắt trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”, nguyên tắc này cũng đã được quán triệt từ lâu.

Tuy hiện số cán bộ rút lui khi không còn đủ tín nhiệm vẫn chưa trở thành một xu thế bởi cán bộ ta chưa quen, suy nghĩ còn nặng nề, nhưng đã đến lúc phải thấy rằng chủ động từ chức là chuyện bình thường. Có được suy nghĩ như vậy mới dần hình thành được văn hóa từ chức.

Cần cả những quy định về sự công tâm

Sự tín nhiệm mỗi cán bộ là do tập thể đánh giá, nên chắc chắn sức nặng của lá phiếu càng đòi hỏi sự công tâm, khách quan và trách nhiệm. Vậy, để công tác lấy phiếu tín nhiệm mang lại hiệu quả cao thì cần làm gì, thưa ông?

- Đúng thế, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có độ tin cậy cao hay thấp phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của người ghi phiếu. Do đó, cùng với quy định về trình tự lấy phiếu, để kết quả lấy phiếu tín nhiệm mang lại hiệu quả cao đòi hỏi cả trách nhiệm của người lấy phiếu và người được lấy phiếu.

Quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng bỏ phiếu một cách hình thức, cảm tính theo kiểu “thích anh này thì bỏ phiếu cao mà không thích thì để thấp”.

Sức nặng của lá phiếu còn thể hiện ở chỗ, nó không chỉ là thước đo năng lực, phẩm chất, uy tín cán bộ mà còn góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong bộ máy. Nên người bỏ phiếu không nên bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay vì bất cứ một lý do nào khác.

Như thế mới thực sự tạo ra một “thước đo” uy tín, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đặc biệt với lĩnh vực hay va chạm. Tránh đi tình trạng cán bộ cứ lối mòn mà đi, giữ an toàn, nhưng số phiếu tín nhiệm có khi lại cao.

Bên cạnh trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thì quan trọng là kênh thông tin, có căn cứ định lượng để đánh giá khách quan, chính xác đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo tôi, cần có thời gian để người được lấy phiếu trình bày về kết quả công việc của mình ra sao, có sự trao đổi, giải trình trước những vấn đề đại biểu đặt ra, nhưng thế mới có sự nhìn nhận được đầy đủ, thỏa đáng.

Sau khi Nghị quyết sửa đổi được thông qua, theo dự kiến, tại Kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ lấy phiếu tín nhiệm với chức danh được bầu hoặc phê chuẩn, ông có kỳ vọng gì về kết quả của việc thực thi quy định mới này đối với công tác cán bộ trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ rằng, xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt”, nên việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đang trở thành việc làm hết sức bình thường.

Nếu chúng ta triển khai thực hiện một cách bài bản, công minh thì nhất định sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, công tác này cũng phải rất cẩn thận vì liên quan đến đánh giá con người, thành ra nếu chuẩn bị không tốt có thể sẽ rơi vào hình thức.

Không còn được tín nhiệm thì sẽ không còn hoặc không nên tiếp tục giữ chức, quyền, đây có thể coi như thử thách rất lớn nhưng là thử thách tích cực để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo "tự soi, tự sửa" lại mình.

Tôi nghĩ rằng, mục đích cuối cùng của việc lấy phiếu tín nhiệm là làm cho bộ máy lãnh đạo các cấp tốt hơn, bởi qua mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ có thể nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn, đấy chính là mục đích quan trọng của vấn đề này.

Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm thể hiện rằng, tất cả các cơ quan tham gia vào hệ thống quyền lực Nhà nước đều bình đẳng như nhau, đều có trách nhiệm phải giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông!

 

Khi được hoàn thiện và thông qua, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) với những điểm mới sẽ là công cụ “sát hạch” cán bộ lãnh đạo các cấp, để mỗi người tự soi lại mình, đánh giá mình một cách chính xác, đầy đủ, nghiêm túc nhất nhằm khắc phục những nhược điểm nếu có.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần