Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải an toàn và minh bạch

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Trong đó, Bộ Công an đề xuất chi mua tin phục vụ xử lý vi phạm giao thông bằng 10% tổng số tiền phạt cho mỗi vụ việc nhưng không quá 5 triệu đồng. Đề xuất này gây sự chú ý, mặc dù được nhiều người đồng tình ủng hộ, song vẫn còn ít nhiều băn khoăn.

Theo cơ quan soạn thảo đề xuất, lực lượng công an được sử dụng nguồn kinh phí trên để mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm TTATGT, mức chi cũng không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.

Trên thực tế, vấn đề này không phải là mới, ý tưởng trả tiền mua tin vi phạm giao thông từng được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đưa ra hồi tháng 4/2022. Và trên thế giới, cơ chế mua tin này đã được nhiều nước áp dụng như: Mỹ, Hàn Quốc...

Với đề xuất trên của Bộ Công an nhằm cải thiện tình hình TTATGT đường bộ và khuyến khích người dân tham gia hỗ trợ bằng việc cung cấp thông tin vi phạm bên cạnh việc tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là từng bước hiện đại hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo đảm TTATGT của ngành công an. Đề xuất cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Mặt khác, có ý nghĩa tích cực hơn, đó là cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xử lý đầy đủ, đến nơi đến chốn các thông tin tố giác, nâng cao hiệu quả hoạt động xử phạt... Với phần thưởng khích lệ mức khen thưởng 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc có thể là động lực mạnh mẽ để người dân chủ động cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh những vấn đề tiêu cực, trước hết cơ quan chức năng cần phải lưu ý đến bảo mật thông tin, hình ảnh đối với những người cung cấp tin. Người tố giác phải được bảo vệ, bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị trả thù hoặc quấy rối. Có thể triển khai các biện pháp như mã hóa thông tin và sử dụng các đường dây nóng bảo mật.

Trong quá trình kiểm tra và phê duyệt thông tin cần có quy trình rõ ràng, minh bạch để xác minh tính chính xác của thông tin được cung cấp trước khi tiến hành xử phạt và khen thưởng. Điều này giúp tránh tình trạng lợi dụng hoặc báo cáo sai sự thật.

Đáng lưu ý, hoạt động giám sát việc sử dụng kinh phí đòi hỏi cần có các biện pháp kiểm soát việc sử dụng kinh phí thu từ xử phạt để đảm bảo tính hợp lý, rõ ràng nhằm giảm thiểu khả năng lãng phí hoặc tham nhũng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về quy định mới này và cách thức cung cấp thông tin đúng cách, đồng thời tăng cường ý thức pháp luật và văn hóa giao thông.

Hiện, đề xuất của Bộ Công an đang thu hút sự chú ý của dư luận vì đây là lần đầu tiên cơ chế chi tiền để mua thông tin hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin về TTATGT được chính thức đưa vào một văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, nếu được thông qua, cơ chế này sẽ tạo ra một hệ thống áp dụng thống nhất trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý vi phạm và đảm bảo an toàn giao thông.