Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải làm gì để không bị cắt điện?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn có đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là cơ chế chính sách, những giải pháp cụ thể của ngành điện. Sau đó là ý thức tiết kiệm điện trong mỗi gia đình, mỗi DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Giải pháp nào?

Thực tế cho thấy, tháng 6, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao trong khi tình hình hạn hán căng thẳng. Dù mấy ngày nay lượng mưa có cải thiện, song lượng nước mới chỉ trên mực nước chết, do đó ảnh hưởng rất lớn đến vận hành các hồ thủy điện.

“Tại các nhà máy nhiệt điện, do vận hành kéo dài trong nắng nóng, có mưa nhưng chưa đủ nên nhiều tổ máy phát sinh sự cố, để bảo đảm an toàn, ngay thủy điện Hòa Bình cũng không dám hoạt động hết công suất. Dự báo, trong tháng 6 và 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn.

Thời tiết Hà Nội nắng nóng trong thời gian qua, cùng với việc cắt điện luân phiên đã khiến người dân đổ xô đi mua quạt tích điện. Ảnh: Khánh An
Thời tiết Hà Nội nắng nóng trong thời gian qua, cùng với việc cắt điện luân phiên đã khiến người dân đổ xô đi mua quạt tích điện. Ảnh: Khánh An

Theo thông lệ, khoảng đầu tháng tháng 7 hằng năm, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn, giúp căng thẳng cấp điện tại miền Bắc được giải tỏa.

Tuy nhiên, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nhuận nên theo kinh nghiệm dân gian, mùa khô sẽ kéo dài thêm một tháng khiến áp lực cấp điện gia tăng.

Dự kiến phải đến tháng 8, việc cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Cũng liên quan vấn đề trên, Bộ Công Thương vừa có Tờ trình 3711/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương với 2 phương án.

Việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo A0 từ EVN về Bộ Công Thương có thể thực hiện theo một trong 2 phương án. Thứ nhất, A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.

Phương án 2, A0 trở thành Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương. Cả hai phương án nêu trên đều bảo đảm các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm thông tin, hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành là lớn nhất Đông Nam Á. Liên quan lưới truyền tải Bắc - Nam, Việt Nam có 2 đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam.

Trong 27 tỉnh miền Bắc, tổng sơ đồ điện VIII đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết nên EVN đang giao Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ, ngành thực hiện ngay dự án này. “Nếu dốc sức làm, có thể thêm 1.000 - 1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc” - ông Võ Quang Lâm đánh giá.

Bàn về vấn đề giảm thiểu thiếu điện, cắt điện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) Nguyễn Quốc Trung cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định. Trong lúc này, A0 cố gắng vận hành hệ thống tốt hơn.

 

Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.

Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Hiện nay nhiều quốc gia lân cận như Ấn Độ, Bangladesh, thậm chí Trung Quốc cũng đối diện cắt điện luân phiên.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa

Thẳng thắn chỉ ra, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.

“Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023 - 2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3 - 4 năm qua đều đã xây dựng” - ông Hà Đăng Sơn nói.

Do đó, tình huống này cần ứng cứu khẩn cấp của Chính phủ. EVN đang lỗ, liệu Chính phủ có thể cho EVN dùng tạm một khoản tiền rồi hoàn lại về sau hay không để cởi gỡ tình trạng thiếu điện.

Doanh nghiệp, người dân đều nâng cao ý thức tiết kiệm điện

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hầu hết người dân đều cho rằng phải chung tay tiết kiệm điện. Đơn cử, khi cả gia đình ra khỏi nhà là tắt tất cả các thiết bị không cần thiết. Thậm chí, cả gia đình cùng dùng chung một điều hòa để làm mát những ngày nắng nóng…

Việc tiết kiệm năng lượng đều được các DN sản xuất, kinh doanh lan tỏa tới các người lao động. Phó Quản đốc Xưởng LED - Điện tử và Thiết bị Chiếu sáng (Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) Đỗ Tuấn Hùng cho biết, từ ngày 31/12/2019, DN đã dừng sản xuất sản phẩm đèn huỳnh quang, compact hiệu suất thấp.

Thời điểm hiện tại không còn sản phẩm tồn kho, hay lưu thông trên thị trường. Rạng Đông đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm đèn LED hiệu suất cao được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống…

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại An Phước Nguyễn Bảo Hiền, DN luôn nhận thức trong vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. An Phước loại bỏ các thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp như bóng đèn huỳnh quang, compact, không còn sản phẩm tồn kho hoặc lưu thông trên thị trường. Thay vào đó, DN phân phối, cung cấp các dòng sản phẩm đèn smartlight, bóng đèn LED hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện năng đến 70 - 80%…

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ AN MI (AN MI TOOLS) Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, đơn vị đang sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời 5.200m2 trên mái. Nhờ đó, có tác dụng giảm nhiệt độ trong nhà xưởng, giảm lượng điện tiêu thụ của điều hòa/ hệ thống làm mát. Cùng với hệ thống máy móc hiện đại không tốn điện năng hệ thống năng lượng mặt trời có công suất 730kWp/giờ, đáp ứng đủ năng lượng điện cho toàn nhà máy hoạt động trong điều kiện nắng nóng… Tuyệt đối không sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, bình đun nước nóng siêu tốc trong DN.

 

Theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 15/7/2023, những thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp như: bóng đèn huỳnh quang compact công suất thấp, bếp hồng ngoại, bếp từ, bình đun nước nóng... sẽ không được phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trong nước.