Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải xử lý nghiêm minh

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi tụ tập đua xe, lạng lách trên đường luôn bị lên án, bởi đã có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra. Hậu quả không chỉ cho người bị nạn, mà còn cho cả gia đình và xã hội. Do vậy, những hành vi trái phép này nhất thiết phải bị xử lý nghiêm minh.

Thời gian gần đây ở Hà Nội xuất hiện lại tình trạng trẻ thành niên, thanh niên tụ tập chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng trên đường phố, gây mất trật tự, an toàn giao thông, tạo ra bức xúc dư luận. Lực lượng chức năng vẫn luôn lập các kế hoạch triển khai đánh chặn, song vẫn chưa triệt để. Ngay đêm 2/11/2024 vừa qua, nhóm “quái xế” chạy tốc độ cao đã tông tử vong cô gái đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Ngày 4/11, Công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ nhiều đối tượng (độ tuổi từ 16 - 19) và cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc.

Thêm một con số để chúng ta phải suy ngẫm. Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong tháng 10/2024 - tức là chỉ sau gần một tháng triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông lứa tuổi học sinh, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát giao thông - trật tự toàn TP đã xử lý 6.037 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong nhóm tuổi học sinh, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm về mũ bảo hiểm là 5.303 trường hợp, 1.092 trường hợp điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện; 338 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện.

Rạng sáng 9/11, thông qua hóa trang kết hợp với công khai tuần tra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã đưa gần 30 nam nữ thanh niên vi phạm trật tự, an toàn giao thông (không đội mũ bảo hiểm, chở 2 - 3 người, phóng xe máy tốc độ cao lạng lách trên đường vào đêm cuối tuần) về trụ sở cơ quan công an để phân loại xử lý theo quy định.

Trong Hội nghị trực tuyến rà soát, góp ý đối với các dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ngày 6/11), phân tích về việc xử lý các hành vi lạng lách, đua xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Ngoài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, cần nghiên cứu quy định tịch thu và xử lý phương tiện vi phạm; lập đường dây nóng, triển khai các giải pháp ngăn chặn ngay từ khi các đối tượng chưa tập hợp để đua xe… Nghị định phải làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông, tôn trọng pháp luật, tính mạng của người khác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm từ những hành vi vi phạm nhỏ nhất.

Dư luận xã hội đồng tình và tỏ rõ cần sớm thực thi các biện pháp mạnh đối với hành vi này. Phương thức triển khai song hành giữa giáo dục và áp chế. Trước tiên, tiếp tục đẩy mạnh kết hợp đồng bộ việc tuyên truyền giữa các lực lượng chức năng, gia đình và nhà trường, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục hiệu quả, giúp các bạn trẻ nhận thức rõ ràng về hậu quả của việc vi phạm pháp luật. Từ đó hạn chế tối đa những hành vi đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Về chế tài, Bộ Công an đã đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, trong đó, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng. Đề xuất này hiện cũng có ý kiến trái chiều, song đại đa số đồng tình và nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm minh mới tạo sức răn đe, thượng tôn pháp luật.