Phạm Duy Tốn - người của quốc văn

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phạm Duy Tốn (1883 - 1924) là một trong “tứ kiệt Hà thành” - những trí thức tiên phong canh tân văn hóa đầu thế kỷ XX. Ông là nhà văn tài năng, tiên phong mở đường cho một nền văn học mới của đất nước và đã dùng văn chương để hoàn thiện chữ quốc ngữ.

Gập ghềnh đường đời

Phạm Duy Tốn quê ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, Hà Đông, sinh ra ở Hà Nội, năm 1883 (theo Phạm Duy là năm 1881). Cha là ông Phạm Duy Đạt, Chánh tổng; mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ làm nghề buôn bán.

Phạm Duy Tốn (1883 - 1924). Ảnh tư liệu
Phạm Duy Tốn (1883 - 1924). Ảnh tư liệu

Từ nhỏ, Phạm Duy Tốn được đi học chữ Nho rồi chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Ông tốt nghiệp Trường Thông ngôn Hà Nội năm 1901 và được bổ làm thông ngôn ở Tòa sứ ở Ninh Bình rồi sau đó chuyển về Tòa sứ Bắc Ninh. Là một thông ngôn thông minh, rất được tín nhiệm nhưng không bao lâu thì ông bỏ việc, không rõ lý do.

Sau khi bỏ nghề thông ngôn, việc đầu tiên ông làm là dạy học. Ông dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ ở Trường Trí Tri. Tiếp đó, ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục. Ông cùng với Nguyễn Văn Vĩnh là người thảo đơn gửi chính quyền bảo hộ xin phép thành lập trường. Nhưng cuối năm 1907, chỉ sau mấy tháng hoạt động, Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa.

Không còn dạy học, Phạm Duy Tốn mở tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ nhưng nhanh chóng sập tiệm. Ông lại vay tiền mở tiệm vàng rồi cũng phá sản, nợ nần chồng chất. Tiếp đó ông lại theo bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên và lại nhanh chóng thất bại. Được bạn giúp đỡ, ông vào làm việc cho Ngân hàng Đông Dương ở Mông Tự (Trung Quốc). Nhưng chẳng được bao lâu, ông lại bỏ việc.

Trở về Việt Nam, ông bắt đầu một hành trình mới, nghề mới, làm báo và viết văn cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi của mình. Ông mất ngày 22/5/1924, thọ 41 tuổi.

Trong nghiệp báo của mình, với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An…, ông đã viết cho 11 tờ báo/tạp chí, ở cả Hà Nội và Sài Gòn như Đại Việt tân báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, Thực nghiệp dân báo... Ở các báo/tạp chí, ông vừa làm biên tập, vừa viết bài. Ông viết luận thuyết (xã/bình luận) và viết văn.

Nhiều bài báo của ông đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thuộc địa hà khắc của người Pháp ở Việt Nam, sự thối nát của bộ máy quan lại, sự đói khổ cùng cực của người dân. Bài báo “Hồi giáo khổ nạn” của ông nói về trận lụt ở Bắc Kỳ năm 1915 làm hàng chục nghìn người chết đã tạo nên một chấn động xã hội to lớn.

Bài xã luận Văn minh giả đăng trên Lục tỉnh tân văn, ngày 4/11/1915, Phạm Duy Tốn chỉ trích những kẻ học làm sang theo lối Tây nhưng nghèo nàn trong văn hóa. Hoặc bài Trách nhiệm người làm báo cũng đăng trên Lục tỉnh tân văn, là một trong những bài viết đầu tiên ở Việt Nam bàn về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong xã hội và của người làm báo.

Trước lúc mất, ông làm cho Học báo - hậu thân của Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ nhiệm, Trần Trọng Kim làm chủ bút.

Là một trí thức tân học có tinh thần yêu nước, có tư tưởng cải cách, Phạm Duy Tốn quan tâm và trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, trở thành một chính trị gia. Năm 1919, ông được bầu vào Hội đồng dân biểu TP Hà Nội.

Từ năm 1920 đến 1923, ông là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Chắc hẳn ông tham gia chính trường là để hướng đến cơ hội thực hiện những cải cách có lợi cho người dân và sự nghiệp chấn hưng văn hóa, giáo dục của đất nước trong hoàn cảnh thuộc địa.

Nhà văn tài năng và tiên phong

Khoảng hơn 10 năm cuối đời, Phạm Duy Tốn làm báo và viết văn. Ông viết văn ít, chỉ để lại 4 truyện ngắn: Câu chuyện thương tâm (Đông Dương tạp chí số 55, Hà Nội, 1914); Sống chết mặc bay (Nam Phong tạp chí, 1918); Nước đời lắm nỗi (Nam Phong tạp chí, 1919); Con người Sở Khanh (Nam Phong tạp chí, 1919). Ngoài ra ông còn có sưu tầm, biên soạn cuốn Tiếu lâm ký quảng (bút danh Thọ An, ba tập, nhà xuất bản Ích Ký, Hà Nội, 1924) được tái bản nhiều lần với nhan đề Tiếu lâm An Nam.

Phạm Duy Tốn viết không nhiều nhưng ngay từ đầu đã được văn giới và bạn đọc đón nhận, quan tâm như một hiện tượng văn học mới lạ trong bối cảnh nền văn hóa, và văn học của dân tộc đang bắt đầu duy tân, chuyển mình sang hiện đại.

Là một trí thức có trách nhiệm, một nhà báo nhạy bén, ông quan tâm sâu sắc đến hiện thực của đời sống xã hội từ cấu trúc thể chế đến sự thay đổi trong đời sống văn hóa, tâm lý, đạo đức của các tầng lớp xã hội, đến cuộc sống lầm than của người dân.

Cũng như viết báo, văn chương của ông sắc sảo,mạnh mẽ, chạm đến nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời.

Truyện ngắn Sống chết mặc bay phản ánh sự đối lập giữa cuộc sống bọn quan lại và người dân bị đô hộ. Trong bối cảnh lũ lụt rất to, có nguy cơ vỡ đê, hàng trăm người dân đang cố sức giữ đê thì bọn quan lại vẫn bình thản chơi bài, mặc cho tiếng kêu gào đến xé lòng của người dân. Ông tố cáo bộ máy chính quyền vô đạo đức và thức tỉnh mọi người cần phải đứng lên chống lại cái ác để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

Trong truyện ngắn Nước đời lắm nỗi, ông nói về số phận bi đát của con người; về sự cám dỗ của đồng tiền đã tha hóa nhân phẩm của con người, đẩy con người vào tội lỗi và xấu xa dưới chế độ thực dân phong kiến.

Truyện ngắn là hồi chuông cảnh tỉnh con người trước thế lực đồng tiền và là khuyến cáo mọi người hãy quan tâm và nuôi dưỡng con trẻ trong tình yêu thương để lớn lên có cuộc sống lương thiện, tốt đẹp.

Từ sự quan sát hết sức sâu sát, tinh tế, trong truyện ngắn “Con người sở khanh”, Phạm Duy Tốn cảnh báo hiện tượng lưu manh hóa trong xã hội đương thời; vì tiền mà con người có thể lường gạt lẫn nhau, dẫu là bạn bè, vợ chồng.

Di sản văn học của Phạm Duy Tốn không đồ sộ về khối lượng tác phẩm nhưng lại có sự đặc sắc và đặc biệt là có ý nghĩa khai phá, mở đầu một thời kỳ mới cho văn học Việt Nam. Cách đây hơn 80 năm, Vũ Ngọc Phan đã nhận định: “Phạm Duy Tốn là một nhà tiểu thuyết đi vào đường mới nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà”.

Còn theo Thanh Lãng: “Muốn ước lượng vai trò của Phạm Duy Tốn chúng ta cần biết rằng: về mặt tư tưởng, nếu nhà văn cổ điển đòi hỏi con người ta phải thuận theo chiều xã hội, theo tập tục, theo giai cấp, theo tôn ti, thì Phạm Duy Tốn là người bất mãn, căm hờn nó, muốn đập vỡ cái hiện tại mà ông cho là thối nát.

"Phạm Duy Tốn vì thế có một xu hướng xã hội rõ rệt: ông đứng về phía những người yếu đuối, bị bóc lột; ông đứng về phe ông cụ già kéo xe để chống lại cái bà phì nộn ngồi trên xe; ông bênh vực bọn dân đen sống nheo nhóc trên bờ đê Yên Phụ để phản đối thái độ vô nhân đạo của bọn quan lại ngồi trong sòng bạc.

"Tất cả nghệ thuật của Phạm Duy Tốn vẽ nên những bức tranh xã hội đau thương. Mà cái đau thương đó không phải ở những lời lẽ xót xa, những tiếng kêu than thống thiết mà bao giờ cũng có cái tính cách tương phản nhau giữa hai thực tại mỉa nhau, rủa nhau, xung đột nhau.

“… Chính Phạm Duy Tốn mới quả là người khai mở đầu tiên cho lịch sử tiểu thuyết tại Việt Nam. […]. Phạm Duy Tốn đã mới hoàn toàn trong công cuộc xây dựng các các truyện của ông. […]. Nhưng cuộc cách mạng lớn lao nhất của Pham Duy Tốn là nghệ thuật tả chân… Phạm Duy Tốn chủ trương tả thực: ông tả thực trong cách chọn đề tài trong đời sống hằng ngày, trong những tình tiết hay biến cố mà ông có dịp quan sát tỉ mỉ. Phải có óc quan sát tinh vi và óc tả thực như ông mới có thể diễn được tấn tuồng ván tổ tôm trên bờ đê sắp vỡ một cách linh hoạt, sống động…”.

Phạm Quỳnh - đồng môn, đồng nghiệp với ông, nhận định: “Phạm Duy Tốn là một người rất nhiệt thành với văn quốc ngữ, và đã biệt lập ra một lối văn riêng, lấy sự tả chân làm tốt. Mỗi bài văn của ông như một tấm ảnh phản chiếu cái chân tướng y hệt”.

 

Phạm Duy Tốn là người đã mở đường cho trào lưu văn học hiện thực; ông biết lựa chọn những hiện thực tiêu biểu để phản ánh những vấn đề lớn của xã hội, của thời cuộc và đều hướng tới những giá trị tốt đẹp cho nhân quần và dân tộc. Ông là một trí thức có tinh thần dân tộc đã tiên phong thực hiện công cuộc canh tân nền văn hóa, văn học của đất nước trong những năm đầu của thế kỷ XX.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần