Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân bổ để đảm bảo nhân lực chăm sóc sức khoẻ người dân tuyến cơ sở

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hiện còn chỉ tiêu quản lý sức khoẻ cho người dân vẫn khó đạt được vào năm 2025. Cùng với đó là tình trạng thiếu bác sỹ ở tuyến y tế cơ sở...

Hiện nhiều trạm y tế vẫn thiếu bác sỹ thực hiện khám, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân (Ảnh: minh họa)
Hiện nhiều trạm y tế vẫn thiếu bác sỹ thực hiện khám, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân (Ảnh: minh họa)

Nhiều giải pháp gỡ khó trong thực hiện các chỉ tiêu

Mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã tổ chức giao ban đánh giá kết quả năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

Từ đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU cho thấy, Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ nét, thực chất, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của TP được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Qua đó khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy.

Đến nay đã có 25/27 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2023, trong đó có 20/27 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025; còn 2 chỉ tiêu còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% người dân được quản lý sức khoẻ; kế hoạch năm 2023 đạt trên 94%. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ này đạt khoảng 85% (đạt 90,43% kế hoạch năm 2023 và đạt 85% mục tiêu đến cuối năm 2025).

Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Một số trạm y tế cấp xã chưa có bác sỹ (vẫn còn 60 trạm y tế chỉ có bác sỹ của Trung tâm y tế tăng cường, luân phiên làm việc); Việc phát triển mạng lưới trường học không bắt kịp tốc độ gia tăng dân số, dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải trường học, nhất là tại các quận, khu vực đô thị. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trong Chương trình còn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu. Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các chỉ tiêu y tế, Sở KH-ĐT tiếp tục phối hợp Sở Y tế, Sở TN&MT, Sở QH-KT có các văn bản hướng dẫn, tổng hợp đề xuất đối với các dự án xã hội hóa bệnh viện và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án bệnh viện theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND.

Cùng với đó, UBND TP đã ban hành các văn bản về phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Tiếp nhận một số bệnh viện Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn về TP Hà Nội quản lý.

Hiện Sở Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP để triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe người dân của TP; phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động khám sức khỏe cho nhân dân.

Quyết tâm xoá đói, giảm nghèo bền vững

Cùng với những kết quả đạt được, các quận, huyện đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc cần TP có cơ chế, chính sách tháo gỡ.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, thực hiện Chương trình 08-CTr/TU trên địa bàn cơ bản đạt 27 chỉ tiêu, còn một số chỉ tiêu cần phấn đấu, trong đó chỉ tiêu tỷ lệ bác sỹ/vạn dân khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Hiện Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cơ bản đã xong nhưng thiếu thiết bị, khó khăn trong đấu thầu, huyện đề nghị TP quan tâm chỉ đạo để đấu thầu thiết bị đưa công trình vào khai thác, sử dụng phục vụ nhân dân. Đồng thời, đối với quy hoạch Trung tâm Y tế vùng phía Nam huyện, đề nghị TP quan tâm mời gọi đầu tư để tăng tỷ lệ bác sỹ/vạn dân và tăng chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện huyện còn một số tiêu chí khó thực hiện như số bác sỹ và giường bệnh/vạn dân. Huyện có 32 xã thị trấn, hiện mới có 22 trạm y tế có bác sỹ. Nếu thực hiện bàn giao trung tâm y tế từ Sở Y tế về cho huyện thì vẫn thiếu nhân lực và phải thi tuyển.

"Đề nghị Sở Y tế trước khi bàn giao trung tâm y tế về cho các quận, huyện quản lý thì tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển bác sỹ để có đủ số bác sỹ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ Nhân dân"- Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ nêu.

Đối với chỉ tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, theo kế hoạch năm 2024, huyện Chương Mỹ tập trung chỉ đạo để thoát nghèo trên 54 hộ và năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo. Huyền cũng đề nghị các sở, ban, ngành sớm có hưởng dẫn cụ thể để huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về việc Quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng chung trăn trở này, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ nêu một số chỉ tiêu khó như về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; việc thiếu bác sỹ ở tuyến y tế xã. "Nếu Trung tâm Y tế chuyển cho quận, huyện đề nghị chuyển cả nguồn lực, kinh phí để đảm bảo hoạt động. Bác sỹ ở tuyến xã phải có đặc thù là tuyển dụng chứ không qua thi tuyển vì giờ tuyển còn khó, thi tuyển càng khó hơn"- ông Nguyễn Văn Thọ nêu.

Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH Hà Nội)
Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH Hà Nội)

Đại diện lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, trong năm 2023 huyện đã tập trung rà soát và thực hiện các giải pháp giảm nghèo, kết quả giảm 249 hộ, hiện còn 50 hộ nghèo. Vẫn còn tình trạng các hộ có suy nghĩ muốn được trong diện hộ nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi nhưng các ban ngành, đoàn thể của huyện đã tiếp cận và giải thích rõ để thay đổi quan niệm. Với các hộ còn lại thực sự khó khăn, huyện sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp từ huyện đến xã, thị trấn để cơ bản năm 2024 giảm hẳn không còn hộ nghèo trên địa bàn.

Về tỷ lệ giường bệnh và bác sỹ/vạn dân, việc thu hút bác sỹ rất khó khăn, đề nghị TP khi chuyển giao trung tâm y tế về huyện thì nghiên cứu cân đối, điều phối lại tỷ lệ bác sỹ giữa các trung tâm y tế của các quận, huyện trên địa bàn TP để huyện khắc phục.

Từ thực tế triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CT/TU yêu cầu, trong năm 2024, các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện một số chỉ tiêu thấp. Tiếp tục rà soát, đánh giá đối với các chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, các quận, huyện có giải pháp căn cơ để thực hiện xoá đói, giảm nghèo với từng đối tượng cụ thể trên địa bàn. Phải lan tỏa chương trình đến từng địa bàn như đảm bảo nguồn nước sạch, môi trường sống... để nâng cao chất lượng lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân Thủ đô.