Hà Nội về đích sớm giai đoạn 1
Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định; đồng thời hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai HĐĐT trên cả nước, nhằm mục tiêu đến trước ngày 1/7/2022 đảm bảo bao phủ HĐĐT trên toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Hà Nội, đến thời điểm 15/12/2021, Cục Thuế TP Hà Nội đạt tỷ lệ 100,9% DN, tổ chức trên địa bàn đăng ký sử dụng HĐĐT thành công, sớm 15 ngày so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao.
Bắt đầu từ tháng 1/2022, Cục Thuế TP Hà Nội triển khai HĐĐT đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đến hết ngày 15/4/2022, đã có 99,9% hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT thành công.
Cục Thuế TP Hà Nội xác định để triển khai thành công HĐĐT thì công tác chuẩn bị là rất quan trọng. Do đó, ngay khi Bộ Tài chính ban hành quyết định về triển khai áp dụng HĐĐT, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND TP thành lập Ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội làm Phó Trưởng ban.
Cục Thuế làm đầu mối phối hợp với sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai chi tiết và chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai. Đồng thời, Trung tâm điều hành HĐĐT Cục Thuế hoạt động 24/7, và giải đáp ngay trong ngày tất cả vướng mắc phát sinh của người nộp thuế (NNT) trong quá trình triển khai HĐĐT, do đó tạo sự tin tưởng, yên tâm cho NNT khi áp dụng HĐĐT. Chính công tác chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với đồng thuận, phối hợp tích cực của NNT trên địa bàn là yếu tố quyết định trong triển khai thành công HĐĐT trên địa bàn TP Hà Nội.
Tính chung cả nước, với các giải pháp đồng bộ và được triển khai thực hiện thống nhất, nên đến ngày 31/3/2022, toàn bộ tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Đối với tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu kết nối gửi dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang tổ chức triển khai kết nối với: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty GAS Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex...
Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn, trong đó 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn.
Triển khai HĐĐT đảm bảo thông suốt, minh bạch, bảo mật
Để tiếp tục thực hiện lộ trình triển khai HĐĐT giai đoạn 2, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó Tổng cục Thuế đã bổ sung thêm thành viên tổ thường trực là đại diện lãnh đạo, phụ trách phòng của 8 cục thuế (Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ), nhằm huy động nguồn lực triển khai có kinh nghiệm quản lý thuế thực tế của một số cục thuế đại diện cho các vùng miền trên cả nước.
Tổng cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả thành công bước đầu triển khai HĐĐT tại 6 tỉnh thành phố, cũng như chuẩn bị sẵn sàng triển khai giai đoạn 2, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hưởng ứng ứng mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương, DN.
Theo Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện bước đầu cho thấy việc triển khai HĐĐT có thể được ví như 1 mũi tên trúng nhiều đích, mang lại những lợi ích quan trọng, như góp phần thay đổi phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, DN theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, DN, phù hợp xu hướng chuyển đổi số; thúc đẩy xây dựng tích cực kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành thuế triển khai HĐĐT phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật. Thông tin dữ liệu thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt, hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế; đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế, thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.
Tiếp tục đẩy mạnh kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu HĐĐT trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tích hợp, kết nối chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân, nhất là hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường thông tin tuyên truyền lợi ích sử dụng HĐĐT, mở rộng các kênh tương tác, hỗ trợ các tổ chức, DN, cá nhân kinh doanh về HĐĐT. Đồng thời, quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số, quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn người dân và DN.