Phấn đấu mức độ hài lòng đạt trên 80% về giải quyết TTHC

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80% vào năm 2020. Đây là yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước (CCHC NN) giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu cải cách thể chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng dịch vụ hành chính...
Giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa quận Nam Từ Liêm.
Giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa quận Nam Từ Liêm.
Cụ thể, mục tiêu của Kế hoạch CCHC NN giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC NN giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC NN trong giai đoạn II (2016-2020). Trong đó, tập trung thực hiện các trọng tâm CCHC giai đoạn 2016-2020 là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 2011-2015 của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ; gắn kết công tác CCHC của các bộ, ngành và địa phương; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của CCHC để phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước đến năm 2020.

Theo đó, nhiệm vụ của CCHC NN giai đoạn 2016-2020 là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC.

Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế về sở hữu, doanh nghiệp nhà nước; xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước đối với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước; hoàn thiện thể chế về tổ chức và kinh doanh vốn nhà nước.

Đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; ưu tiên các TTHC phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, TTHC trên một số lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư; đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu; y tế; tiếp cận điện năng; quản lý thị trường, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80% vào năm 2020; hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý Trung ương - địa phương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo nguyên tắc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thực hiện những việc mà cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới làm không hiệu quả. Xác định rõ ràng, minh bạch các mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, điều kiện và chế tài các quy định phân cấp...