Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phán quyết cuối vụ cựu lãnh đạo đường sắt nhận “lót tay” 11 tỷ đồng

Đạt Lê - Hoa Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên tòa phúc thẩm, HĐXX Tòa cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của 2 bị cáo nguyên là cán bộ của Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU).

Ngày 9/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng đối với 4 cựu lãnh đạo ngành đường sắt nhận tiền "lót tay" 11 tỷ đồng của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Tại phiên tòa phúc thẩm, một số bị cáo được giảm án…

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) kháng cáo gồm: Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU). Bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU).
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Trước đó, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281- BLHS và lần lượt tuyên phạt các bị cáo Phạm Hải Bằng (47 tuổi) - nguyên Phó Giám đốc BQL dự án đường sắt (RPMU) cũng là đối tượng giữ vai trò lớn nhất trong vụ án bị tuyên phạt 12 năm tù. Tiếp đến, Nguyễn Nam Thái (39 tuổi) - cựu Trưởng phòng dự án 3 (RPMU) phải nhận 11 năm tù. Phạm Quang Duy (40 tuổi) - nguyên Phó Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù.
Cựu cán bộ gồm: Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và Trần Quốc Đông (52 tuổi) - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc RPMU cũng đều phải lĩnh cùng mức 7 năm 6 tháng tù giam.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 10/2008, Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1),Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý cho RPMU… Năm 2009, Phạm Hải Bằng (Phó giám đốc RPMU) được bổ nhiệm làm chủ nhiệm dự án, Phạm Quang Duy (Trưởng phòng Dự án 3) làm Điều phối viên, Nguyễn Nam Thái (Phó trưởng phòng dự án) là chuyên viên kỹ thuật dự án.
Tổ chuyên gia đấu thầu gói thầu Dịch vụ tư vấn kỹ thuật của Dự án Tuyến số 2 được thành lập gồm 13 thành viên, do Bằng làm tổ trưởng. Đầu tháng 9/2009, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do JTC (gồm 5 công ty tư vấn, dịch vụ của Nhật Bản và 3 công ty trong nước) trị giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật và 320 tỷ đồng.
Thực hiện hợp đồng, Bằng kêu khó khăn và được phía JTC hỗ trợ 69,9 triệu Yên Nhật. Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Bằng đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Duy và Thái nhận tiền. Theo tài liệu điều tra của Nhật Bản là 15 lần. Duy và Thái đổi từ tiền Nhật sang VND, khoảng 11 tỷ đồng. Việc nhận và sử dụng khoản tiền trên không được hạch toán và báo cấp lên tổng công ty.
Phạm Hải Bằng thừa nhận chi 4,8 tỷ đồng để tiếp khách, đối ngoại. Theo chỉ đạo của Bằng, Nguyễn Nam Thái cũng dùng tiền cho các chi phí của dự án và thưởng Tết, chi nghỉ mát, công đoàn... Mỗi lần chi tiền, Thái đều lập bảng trên máy tính để theo dõi. Sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu, Thái xóa sạch các file này.
Giữ chức Giám đốc RPMU qua mỗi thời kỳ, Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu đều được Bằng báo cáo nhưng không chỉ đạo nhân viên chấm dứt, hưởng lợi cá nhân từ khoản tiền của JTC. Theo đó, dịp Tết năm 2010, 2011, các bị can này nhận phong bì biếu Tết của Bằng (30 - 100 triệu đồng)...
Tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm khẳng định, Phạm Hải Bằng cùng các bị cáo liên quan là những người có chức vụ, quyền hạn và được Nhà nước giao giám sát thực hiện dự án, đại diện tư vấn, kỹ thuật, tổ chức đấu thầu Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1) lại có hành vi gợi ý, nêu khó khăn và yêu cầu các nhà thầu phải chi 11 tỷ đồng… Việc làm của các bị cáo đã làm tiến độ dự án bị chậm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội cũng như quan hệ hợp tác của quốc gia trong việc sử dụng vốn ODA. Hành vi của các bị cáo vừa trực tiếp, vừa gián tiếp gây ra dư luận xấu, đồng thời gây tổn hại tới uy tín của đất nước khi triển khai, sử dụng vốn ODA.
HĐXX cho nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về với gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời.
Sau 2 ngày nghị án, căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Nam Thái và Trần Quốc Đông, bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Hiếu và Trần Văn Lục. Tuyên phạt các bị cáo Thái 9 năm tù (giảm 2 năm); Đông 7 năm tù (giảm 6 tháng) so với án sơ thẩm.