Phản ứng của Moscow khi Ba Lan và Slovakia chuyển máy bay MiG-29 cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Kremlin khẳng định động thái của 2 nước Đông Âu không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động quân sự của Nga, thay vào đó “có thể gây ra nhiều đau khổ hơn cho Ukraine và người dân nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/3 nói rằng kế hoạch của Ba Lan và Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine giống như nỗ lực thanh lý các thiết bị lỗi thời, theo hãng tin Tass.

Ông Peskov nói tại buổi họp báo: “Dường như những quốc gia này [Ba Lan và Slovakia] chỉ đang thanh lý các thiết bị cũ mà họ không cần nữa”. MiG-29 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 2 của Liên Xô, được thiết kế vào những năm 1970 và được đưa vào sử dụng vào những năm 1980.

Quan chức Điện Kremlin khẳng định động thái của 2 nước Đông Âu không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động quân sự của Nga thay vào đó “có thể gây ra nhiều đau khổ hơn cho Ukraine và người dân nước này”.

Trước đó, ngày 16/3, Ba Lan tuyên bố sẽ chuyển giao lô 4 máy bay MiG-29 cho Ukraine, trở thành thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi máy bay chiến đấu đến Kiev.

Sau khi thông báo được đưa ra, Ukraine cho biết trong khi Kiev cảm thấy "biết ơn" về đợt vận chuyển trên thì các máy bay thời Liên Xô này vẫn chưa đủ. Theo người phát ngôn Không quân Ukraine Yuri Ignat, các máy bay chiến đấu MiG-29 "không thể thay đổi đáng kể tình hình xung đột".

“MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ, chúng tôi cần F-16", ông Ignat cho hay, đồng thời nhận định, mặc dù MiG "giúp tăng cường khả năng của chúng tôi" nhưng Ukraine cần "các máy bay chiến đấu đa nhiệm từ phương Tây" để "đạt được lợi thế trước đối phương".

Sau Ba Lan, Slovakia hôm 17/3 cũng thông báo sẽ gửi 13 chiếc MiG-29 cho Ukraine. Slovakia và Ba Lan đều là thành viên NATO và đều là nước láng giềng của Ukraine.

Mỹ hay các đồng minh như Đức, Pháp, Anh hiện vẫn từ chối gửi máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine do lo ngại điều này sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Các nước này mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ xe tăng chiến đấu, hệ thống phòng không và đạn dược. Họ tin rằng, đạn dược là nhu cầu cấp bách nhất lúc này đối với Ukraine.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 2/3 tuyên bố, việc cung cấp máy bay chiến đấu của NATO cho Ukraine và bảo trì chúng trên lãnh thổ các nước của liên minh này sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột với Nga. Ông nhấn mạnh: “Tất cả những người ra quyết định về việc cung cấp (hoặc sửa chữa) các thiết bị và vũ khí này, cùng với lính đánh thuê nước ngoài và các chuyên gia quân sự, sẽ trở thành các mục tiêu quân sự hợp pháp".