Phản ứng mới nhất của OPEC trước chỉ trích của Mỹ về kiểm soát thị trường dầu

Nguyễn Phương (Theo Gulf News)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazroui hôm 9/1 đã lên tiếng bảo vệ OPEC trước những chỉ trích của Mỹ, đồng thời khẳng định tổ chức này đã làm đúng chức trách nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.

Trả lời câu hỏi về sự chỉ trích ngày càng gia tăng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với chính sách kiểm soát thị trường dầu mỏ của Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên OPEC, ông Suhail Al Mazroui nói rằng tổ chức này vẫn tiếp nhận những đề xuất của Mỹ, song chỉ làm những gì họ tin là cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail Al Mazroui.
“Chúng tôi không chịu một áp lực nào từ Tổng thống Mỹ Trump hay bất kỳ vị tổng thống nào khác. Những gì chúng tôi làm là chúng tôi chỉ nghe họ (Hoa Kỳ). Họ là một khách hàng mua nhiều dầu và Mỹ cũng là một quốc gia sản xuất dầu lớn. Chúng tôi nghe những gì họ nói, nhưng chúng tôi sẽ chỉ làm những việc cần thiết nhằm cố gắng duy trì sự cân bằng trên thị trường”, ông Al Mazroui phát biểu tại Diễn đàn năng lượng các nước vùng Vịnh tại Abu Dhabi hôm 9/1.
Đề cập đến vấn đề mà nhiều nhà đầu tư đang thắc mắc rằng liệu OPEC có thể tin tưởng vào tổng thống Mỹ hay không, Bộ trưởng Suhail Al Mazroui cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng của OPEC không phải là việc tin hay không tin vào các tổng thống. Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh thị trường nếu xuất hiện những bất ổn địa chính trị có thể ảnh hướng tiêu cực đến thị trường năng lượng”.
Giá “vàng đen” đã tăng mạnh lên mức hơn 80 USD/thùng vào tháng 10 năm ngoái do nỗi lo ngại nguồn cung dầu tại Iran bị ảnh hưởng do Mỹ áp đặt trừng phạt Tehran.
Một số nước sản xuất dầu chủ chốt đã tăng mạnh sản lượng vì dự đoán thiếu hụt thị trường dầu mỏ do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã  bất ngờ miễn trừ tạm thời cho 8 quốc gia cho phép tiếp tục nhập dầu từ Iran. Điều này đã dẫn đến tình trạng nguồn cung dầu toàn cầu dư thừa, khiến giá dầu lao dốc thảm hại xuống còn gần 50 USD/thùng trong tháng 12 năm ngoái.
Giá dầu đã phục hồi lên mức trên 60 USD/thùng trong phiên 9/1.
Quyết định thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày của các nước OPEC và đồng minh, dẫn đầu là Nga bắt đầu từ tháng 1/2019 đã giúp giá dầu phục hồi lên trên 60 USD trong phiên giao dịch ngày 9/1.
Theo Bộ trưởng Al Mazroui, nếu giá dầu xuống thấp hơn cũng gây bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ vì lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu mỏ nước này sẽ sụt giảm.
“Khi giá dầu lao dốc liên tục trong 2 tháng qua, chúng tôi đã nhận thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và một số nhà sản xuất cũng thể hiện sự thất vọng. Các nhà đầu tư sẽ không mặn mà nếu giá dầu chỉ duy trì mức 40-45 USD/thùng.