Khoảng 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo Bộ LĐTB&XH, hiện nay, trên bình diện cả nước, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch bệnh Covid-19, các ca mắc mới đều trong khu cách ly, phong tỏa. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới.
Một số ngành, lĩnh vực như vận tải, hàng không, du lịch vẫn chịu ảnh hưởng dư âm từ năm 2020 và gần như chưa có dấu hiệu phục hồi. Bộ LĐTB&XH dự báo, nếu dịch tiếp tục kéo dài, các ngành lưu trú, ăn uống, giải trí, bán lẻ, văn hóa thể thao,... sẽ mất đi đà phục hồi của năm ngoái và có thể chuyển biến xấu; các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến,... cũng sẽ bị ngưng trệ.
Theo báo cáo của một số tỉnh, TP có người bị nhiễm bệnh trong các DN, dẫn đến người lao động (NLĐ) phải cách ly hoặc DN bị tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tại Bắc Giang có 196.046 NLĐ; Bắc Ninh 51.975 NLĐ; Hà Nội 33.280 NLĐ; Vĩnh Phúc 11.361 NLĐ; TP Hồ Chí Minh 3.714 NLĐ.
Người lao động đang thực hiện đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Oanh Trần. |
Hiện nay, có khoảng 15 triệu người lao động làm việc trong DN, trong đó khoảng 3,8 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Bộ LĐTB&XH cho rằng, theo xu hướng lây nhiễm hiện nay, trong thời gian tới có thể NLĐ làm việc tại DN của các tỉnh, TP khác bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là NLĐ làm việc tại các DN trong các khu công nghiệp.
Nếu theo xu hướng hiện nay, trong điều kiện khống chế được dịch, dự kiến số lượng lao động bị ảnh hưởng (phải cách ly, bị ngừng việc do DN ngừng sản xuất, kinh doanh) theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoảng 2 – 2,5 triệu NLĐ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, xây dựng dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị để xin ý kiến, trong đó nêu rõ các đối tượng được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ; thời gian hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ, tổng mức hỗ trợ.
Hỗ trợ người lao động có thể tìm việc online
Để giúp DN và NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương tiếp tục thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19. Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, kể từ ngày 26/5, đơn vị này thực hiện giải quyết chính sách BHTN qua hình thức gián tiếp ở hai khâu: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện; thực hiện khai báo tìm việc làm qua điện thoại, zalo, facebook.
Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng CNTT tổ chức thu thập thông tin tiếp nhận các đơn đăng ký của DN thông qua Phiếu đăng ký tuyển dụng online trên website và email. NLĐ muốn tìm việc thì đăng ký vào Phiếu đăng ký tìm việc trên website của Trung tâm. Các cán bộ của Trung tâm thực hiện tổng hợp, phân tích, căn cứ vào nhu cầu của DN và NLĐ để kết nối để hai bên gặp nhau qua mạng...
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế, ngồi khoảng cách. Ảnh: Oanh Trần. |
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 5/2021 đã có 418 DN đăng ký tuyển dụng với 7.286 chỉ tiêu, những ngành nghề được tuyển dụng nhiều là Dệt may – giày da, CNTT-IT, Kinh doanh – Maketting, Điện – Điện tử. Mức lương được các DN đưa ra từ 7 đến trên 10 triệu đồng/tháng có tới gần 4.000 chỉ tiêu, mức lương dưới 7 triệu có gần 2.300 chỉ tiêu. Từ ngày 1 - 14/6, đã có 246 DN đăng ký tuyển dụng với 3.765 chỉ tiêu. Những vị trí việc làm các DN tuyển dụng nhiều đã có sự thay đổi so với tháng 5/2021, tập trung vào các ngành nghề: Nhân viên giao nhận; Công nhân cơ khí, hàn; Chăm sóc khách hàng; Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, Công nhân May.
Trao đổi về trường hợp NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành khuyến cáo: NLĐ sử dụng “phao cứu sinh” đó là chính sách BHTN để duy trì cuộc sống. Khi bị mất việc làm, NLĐ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hoặc các điểm, sàn vệ tinh ở các quận, huyện để khai báo và làm thủ tục BHTN (nếu đủ điều kiện) để được hỗ trợ kịp thời.
Với chính sách BHTN, NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% bình quân lương 6 tháng trước khi nghỉ việc; được tư vấn chính sách pháp luật; cung cấp thông tin thị trường lao động. Đồng thời, NLĐ được giới thiệu việc làm và hỗ trợ khóa học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao tay nghề - đây chính là cơ hội để NLĐ chuyển đổi việc làm.
“Trong quá trình hiện nay, khi chưa tìm được công việc mới phù hợp, NLĐ có thể làm tạm những công việc thời vụ như đi giao hàng, nhận đóng gói sản phẩm tại nhà...Bản thân NLĐ cũng phải chủ động tìm việc mới và có thể chấp nhận làm công việc mang tính chất tương đồng với nghề trước đây đã làm, nhận mức lương thấp hơn, để vượt qua giai đoạn khó khăn này” – ông Vũ Quang Thành đưa ra lời khuyên.