AFP đưa tin, phát biểu tại một hội nghị ở Paris hôm 9/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có sức nặng và ảnh hưởng ngang với cú sốc dầu mỏ năm 1973.
Ông Le Maire nhắc lại tình trạng tăng giá dầu mỏ năm 1973 dẫn tới cú sốc lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, cản trở tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Le Maire cảnh báo cú sốc lạm phát đình trệ này chính là điều thế giới cần tránh trong năm 2022.
Cú sốc dầu mỏ năm 1973 xảy ra do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa các lực lượng của Ai Cập và Syria với Israel. Khi đó, 6 nước Ả Rập thuộc Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các nước hỗ trợ Israel, đặc biệt là Mỹ. Lệnh cấm này khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, đẩy các nền kinh tế phương Tây vào suy thoái và lạm phát cao.
Nhận định trên được Bộ trưởng Kinh tế Pháp được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Anh ngày 8/3 đã thông báo cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, tiếp tục đẩy giá dầu tăng mạnh. Giá dầu Brent leo dốc lên gần 130 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 9/3.
Trong khi đó, giá khí đốt và dầu thô bán buôn của EU cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cảnh báo việc Mỹ trừng phạt ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ có tác động rất lớn đến nguồn cung trên thị trường nhiên liệu toàn cầu.
Đài RT dẫn lời Thứ trưởng Bayraktar cho biết quyết định trừng phạt ngành xuất khẩu dầu của Nga của Mỹ sẽ gây ra những “hậu quả tai hại” cho thị trường năng lượng thế giới. “Sẽ rất khó để thay thế nguồn cung dầu của Nga trên thị trường thế giới. Nga là một nước sản xuất lượng dầu lớn nhất thế giới” - Thứ trưởng Bayraktar nhấn mạnh tại hội nghị năng lượng quốc tế ở TP Houston, bang Texas, Mỹ hôm 9/3.
Theo ông Bayraktar, trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi trở lại sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, việc tăng sản lượng dầu là cần thiết, ngược lại với những gì Mỹ đang cố gắng làm hiện nay.