Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pháp phải huy động 11.000 đặc vụ trên cả nước cho ngày hôm nay (6/6)

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (6/6), các công đoàn Pháp sẽ tổ chức ngày biểu tình đình công thứ 14 - có thể là nỗ lực cuối cùng - trong chiến dịch phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với đám đông phản đối cải cách hưu trí, tại Sélestat, Alsace, ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với đám đông phản đối cải cách hưu trí, tại Sélestat, Alsace, ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin hôm 4/6 tuyên bố rằng, 11.000 cảnh sát đặc vụ sẽ được triển khai để đối phó với các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu trong ngày 6/6. Trong số đó, 4.000 quân sẽ được bố trí ở thủ đô Paris "để đảm bảo an ninh cho các cuộc biểu tình và đảm bảo quyền được biểu tình".

Cảnh báo về sự xuất hiện của "các thành viên cực tả từ nước ngoài", ông Darmanin đã ban hành 17 lệnh cấm nhập cảnh vào nước Pháp, và "tạo điều kiện cho việc bắt giữ nếu cần".

Theo một ghi chú nội bộ từ các cơ quan tình báo Pháp thu được, dự kiến ​​sẽ có khoảng 400.000 - 600.000 người biểu tình vào hôm nay. Trong số này, khoảng 40.000 - 70.000 người sẽ xuống đường tại Paris, với khoảng 1.000 người là "phần tử cấp tiến", 200-300 người thuộc phe cực tả và cực đoan của lực lượng "áo vàng".

Các công đoàn tại Pháp trước đó đã kêu gọi "ngày hành động" lần thứ 14 để yêu cầu bãi bỏ cải cách lương hưu và tăng tuổi nghỉ hưu, từ 62 lên 64 tuổi. Quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, buộc Chính phủ thông qua cải cách bằng các quyền đặc biệt theo Hiến pháp, đã dẫn đến phong trào phản đối phản đối từ đầu năm nay.

Sophie Binet, lãnh đạo mới của công đoàn CGT theo đường lối cứng rắn, cho biết trên BFM TV: "Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong 6 tháng, đây là điều chưa từng có". Bà nhấn mạnh rằng những người đi làm công sở đều cảm thấy khó khăn về tiền lương.

Công ty đường sắt SNCF dự báo các chuyến tàu liên thành phố có thể "gián đoạn nhẹ" trong ngày 6/6, trong khi mạng lưới tàu điện ngầm ở Paris được cho vẫn sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, 1/3 chuyến bay từ sân bay Paris-Orly đã bị hủy bỏ.

Jean-Claude Mailly, cựu lãnh đạo của liên đoàn FO cho biết: "Tôi không chắc sẽ có những cuộc biểu tình nào khác sau ngày 6/6. Vì vậy, đó có thể là một hoạt động mang tính đánh dấu".

Chỉ 2 ngày nữa, một dự luật do phe đối lập tài trợ, nhằm hủy bỏ kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ được Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, điều khoản này dự kiến sẽ bị Chủ tịch Hạ viện - một thành viên trong đảng của ông Macron - bác bỏ vì theo Hiến pháp Pháp, các nhà lập pháp không thể thông qua luật ảnh hưởng đến tài chính công mà không có biện pháp pháp lý bù đắp những chi phí đó.

Nhưng các công đoàn vẫn hy vọng một cuộc biểu tình lớn có thể gây áp lực buộc các nhà lập pháp phải xem xét dự luật và tổ chức bỏ phiếu. Trong khi đó, các nhà lập pháp phản đối nói rằng dự luật bị bác bỏ sẽ khơi dậy sự tức giận nơi công chúng, coi bất kỳ thái độ nào như vậy là "phản dân chủ".