Phát hiện dị tật tim từ trong bào thai
Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã cứu chữa và can thiệp thành công cho một trẻ sơ sinh bị hẹp khít động mạch phổi (một bệnh tim bẩm sinh phức tạp). Đây là kết quả của việc phát hiện, theo dõi từ trong bào thai và xử trí thành công ngay sau khi cháu bé chào đời chưa đầy 24 giờ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một sản phụ (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) mang thai tuần thứ 31 siêu âm thai ở bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán có vấn đề về tim.
Các bác sĩ ở đây đã trao đổi chuyên môn với bác sĩ Kiên, sau đó sản phụ đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại. Tại đây, qua siêu âm chẩn đoán dị tật bào thai tuần thứ 31 cho thấy, thai nhi bị hẹp van động mạch phổi nặng, thiểu sản tâm thất phải. Với trường hợp này cần can thiệp sớm ngay sau khi cháu bé chào đời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bé gái Đ.T.M. chào đời ở tuần 39 của thai kỳ, nặng 3,5kg tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc và được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để can thiệp lần 1 với kỹ thuật nong van động mạch phổi. 3 ngày sau, bé được can thiệp lần 2 với kỹ thuật đặt stent ống động mạch. Đây là một kỹ thuật khó, tinh vi, nhất là với trẻ sơ sinh, bởi các mạch máu cực kỳ mỏng manh.
Theo bác sĩ Kiên, trẻ sơ sinh khi mới chào đời cân nặng thấp, sức đề kháng yếu nên trong quá trình làm can thiệp phải hết sức cẩn trọng, khẩn trương, nếu để xảy ra sai sót, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh Sau 2 lần can thiệp, cháu Đ.T.M. đã hồi phục, khỏe mạnh và được xuất viện.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từng gặp một ca sản khoa khó, đó là sản phụ T.L. (33 tuổi, Hà Nội), tiền sử lupus ban đỏ 6 năm. Khi mang thai, chị khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai.
Chị T.L. đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được chẩn đoán thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim, có tình trạng block nhĩ thất cấp độ III. Đây là bệnh lý rối loạn nhịp tim rất nặng. Chị được chỉ định tiếp tục điều trị lupus ban đỏ và nhập viện ngay để theo dõi tình trạng thai nhi.
Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ kỳ vọng sẽ giữ thai đến 37 tuần, tuy nhiên, khi thai kỳ ở tuần thứ 35, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, có dấu hiệu bị phù nề. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai ngay. Tuy nhiên, ngay sau sinh, nếu di chuyển trẻ từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sang Bệnh Nhi Trung ương, mặc dù chỉ vài trăm mét nhưng trẻ có thể không qua khỏi trước khi lên bàn phẫu thuật.
Tận dụng từng giây, từng phút cứu sống trẻ
Theo lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với nhịp tim rất chậm, trái tim bé có thể ngừng ngay trong bụng mẹ hoặc những giờ đầu sau khi chào đời. Kể cả vận chuyển nhanh sang Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ cách vài trăm mét, có bác sĩ hồi sức theo sát, nhưng bé vẫn có nguy cơ trụy tuần hoàn, trụy tim mạch, ngừng tim ngay trên đường, trước khi được bác sĩ tim mạch can thiệp.
Quyết tâm không để trẻ tử vong sau khi chào đời, ê-kíp bác sĩ đã thiết kế ngay một phòng mổ đặc biệt. Trong đó, bàn mổ tim nhi khoa ngay cạnh bàn mổ đẻ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Quyết định lập phòng mổ này chưa có tiền lệ, hai cuộc phẫu thuật lấy thai và đặt máy tạo nhịp tim tại phòng sinh đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nối tiếp nhau.
Bé M.A. chào đời, nặng 2.150g, lúc này nhịp tim của em bé rất thấp, khoảng 50 lần/phút, có khi xuống 35 lần/phút. Ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu bé M.A.
Rất may mắn, quá trình phẫu thuật của bệnh nhi diễn ra thuận lợi, bé M.A. được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực rối loạn chức năng các cơ quan, điều trị nhiễm trùng, thở máy và hỗ trợ vận mạch. Đây là em bé sơ sinh đầu tiên mắc bệnh lý rối loạn nhịp nặng nề, suy tim, được cứu sống thành công.
TS Đinh Thúy Linh - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mỗi năm, có khoảng 30.000-40.000 trẻ sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, trong số đó có 1% trẻ có dị tật tim bẩm sinh.
Trẻ mắc tim bẩm sinh có rất nhiều thể, trong đó có những bệnh có thể can thiệp trong năm đầu sau sinh, nhưng cũng không ít trường hợp phải cấp cứu khẩn trương để cứu sống trẻ. Trường hợp rối loạn nhịp như trên thì sự sống chỉ tính bằng giây, bằng phút.
Với kỹ thuật hiện đại ngày nay, nhiều bệnh tim bẩm sinh có thể phát hiện khi thai ở tuần thứ 18-22, cũng có những bệnh lý phát hiện được từ tuần thai thứ 12-16. Tuy nhiên, cũng chỉ 70% các bệnh lý tim bẩm sinh được phát hiện trong thời kỳ mang thai. Riêng với bệnh block nhĩ thất cấp độ 3 gần như không có thuốc để điều chỉnh nhịp tim. Bệnh này thường phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Đề cập đến vai trò quan trọng của siêu âm tim thai, TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai đã được thực hiện phổ biến trên thế giới và mang lại hiệu quả rất rõ rệt trong điều trị và tiên lượng bệnh, để có những xử trí kịp thời ngay khi trẻ ra đời.
“Các bà mẹ ngoài việc siêu âm, kiểm tra thai nhi theo lịch thông thường cũng nên siêu âm tim thai để sàng lọc tim bẩm sinh cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, từ đó có những chẩn đoán và xử trí kịp thời ngay khi trẻ ra đời” - TS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.