Điều này đòi hỏi những thay đổi mới về cơ chế, chính sách, cũng như sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ngành, địa phương.
Lợi ích kép từ phát triển kinh tế làng nghề
Ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà (huyện Đông Anh), nghề sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ đã hình thành hàng trăm năm, nổi tiếng khắp cả nước. Trung bình mỗi năm, các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nơi đây thu về hơn 1.100 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo chia sẻ, nhờ kinh tế làng nghề, địa phương đã sớm hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, lao động nông thôn… Đồng thời, Vân Hà từng bước hoàn thiện nhiều tiêu chí để đưa xã lên phường.
Tại Hà Nội, huyện Phú Xuyên được xem là vùng đất của những làng nghề. Nơi đây từ trong lịch sử đã hình thành lên 43 làng nghề. Ở đó, hơn 150 thôn, cụm dân cư có nghề truyền thống lâu đời, được gìn giữ cho đến hôm nay.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, tiêu biểu về giá trị kinh tế phải kể tới nhóm các ngành nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày… Doanh thu của các làng nghề dao động từ vài chục cho tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, toàn TP hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND TP Hà Nội công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.
Sự phát triển ổn định của các làng nghề đang mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt trên 24.000 tỷ đồng. Đặc biệt còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, với thu nhập bình quân 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với lao động thuần nông.
Vẫn còn không ít khó khăn
Trong những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm đến triển khai các cơ chế, chính sách phát triển làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng một số chính sách về đào tạo nghề, truyền nghề, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề; nhất là các văn bản nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Hà Nội luôn xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Mặc dù vậy, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị kinh tế làng nghề mang lại dù tích cực nhưng chưa đạt so với kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà cho biết, trên địa bàn có làng nghề bánh tẻ Phú Nhi truyền thống, dù được khá nhiều người biết đến, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. “Các hộ phát triển từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nên nguồn lực đầu tư hạn chế. Kinh phí hỗ trợ của thị xã cho làng nghề rất thấp, không thấm vào đâu so với đầu tư công, nên việc phát triển rất khó khăn…” - bà Bùi Hồng Hà chia sẻ.
Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, dù có tới 7 thôn làng có nghề nhưng hiện nay địa phương vẫn chưa có điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn để quảng bá sản phẩm đến du khách thập phương. Các tour tuyến đưa khách đến tham quan, mua sắm tại làng nghề cũng rất hạn chế.
Trong khi đó, nguồn nhân lực là vấn đề mà Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Khuất Văn Nhâm băn khoăn nhất. Hiện, trên địa bàn huyện này có 59 làng nghề và 50 làng có nghề; tuy nhiên, nhiều làng đang bị mai một do không có thế hệ tiếp nối, giữ nghề truyền thống. Cũng theo ông Nhâm, nhiều làng nghề tại huyện Thạch Thất hiện nay mang lại giá trị kinh tế khiêm tốn. Một trong những khó khăn là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề rất hạn chế; thiếu kinh phí đầu tư và nhân lực chất lượng…
Đại diện nhiều địa phương, nghệ nhân cũng thẳng thắn cho rằng, quy mô sản xuất trong làng nghề hiện nay nhìn chung mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, không tập trung; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Điều này dẫn tới tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Động lực mới từ Luật Thủ đô
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề Hà Nội, trong những năm qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề; hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 2 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…
Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung phát triển mạnh các cụm công nghiệp nhằm thu hút cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ra khỏi các khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cháy nổ trong các làng nghề. Đến nay, TP có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 43 cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó có những giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hóa Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, để giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định: trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đặc sắc.
Cũng bởi nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy đa giá trị của các làng nghề. Và kết quả trong Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều, khoản quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy phát triển đa giá trị lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Để thúc đẩy phát triển làng nghề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trong tiếp cận nguồn vốn; thực hiện miễn giảm thuế, phí và các chính sách trợ giúp dành cho người lao động.
Đặc biệt, cần tích cực hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường và kênh phân phối sản phẩm; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính. Cần duy trì và xây dựng hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến để tương tác, thu thập thông tin khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, từ đó đánh giá, tham mưu UBND TP Hà Nội có giải pháp xử lý kịp thời.
Để thúc đẩy phát triển làng nghề, ưu tiên số 1 hiện nay là xây dựng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tiếp đến là tăng cường các giải pháp về ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại