[Phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa]

Bài cuối: Văn hóa không chỉ là tài sản cất giữ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cần phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa như một tài nguyên” - đó là quan điểm của GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (trường ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề làm sao phát huy hết được nội hàm đa dạng và phong phú của văn hóa trong sự phát triển chung của đất nước.

>>> Bài 1: Du lịch văn hóa “made in Vietnam”
>>> Bài 2: Giáo dục văn hóa cho giới trẻ - nhiệm vụ mang tầm chiến lược
>>> Bài 3: Bồi đắp lối sống và làm việc có văn hóa

Múa truyền thống tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Phạm Hùng  
Múa truyền thống tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Phạm Hùng  

Cần học tập Nhật Bản, Hàn Quốc

GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “Văn hóa có nội hàm đa dạng và phong phú nên chúng ta cần hiểu theo nghĩa rộng. Văn hóa bao gồm tất cả những gì mà một cộng đồng người sáng tạo ra, vì mục đích tồn tại và phát triển. Đây cũng chính là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra từ năm 1943 và hiện nay là quan niệm được sử dụng rộng rãi, phổ biến ở tất cả các tổ chức văn hóa trên thế giới.

“Để khai thác các giá trị văn hóa cần phải có một triết lý phù hợp và thực tiễn, đó là khai thác tất cả những gì mình có để phục vụ phát triển. Chúng ta nên tham khảo những đất nước đã thành công trong việc khai thác sức mạnh văn hóa để phát triển đất nước, như triết lý "Hỏa thần - Dương khí" đã đưa đất nước Nhật Bản thành hàng cường quốc thế giới, hay khẩu hiệu "Hãy biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế" đã giúp Hàn Quốc tạo nên "kỳ tích sông Hàn"”- GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ thêm.

Xét từ góc độ địa - văn hóa, người Việt Nam đã sáng tạo nên hàng loạt các giá trị vật chất và tinh thần, để lại cho hôm nay và mai sau vô vàn những di sản dưới dạng vật thể và phi vật thể. Đó chính là nguồn tài nguyên vô tận và vô giá cần được khai thác để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đất nước đang chủ động hội nhập quốc tế.

“Món nợ lịch sử” cần trả đúng vị trí

Cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, cần phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa như một tài nguyên. Trước hết, trở ngại chính là những thói quen, tập tính của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó một điểm rất lớn, gây hậu quả tai hại là rất ngại nói tới tầm nhìn xa, tâm lý ăn xổi. Ngoài ra, một trong những di tồn văn hóa khác có hại cho sự phát triển là tâm lý "bình quân cào bằng". Trong lịch sử, sự bình đẳng đôi khi tạo ra một không khí hòa thuận nhưng quan niệm "dàn hàng ngang mà tiến", "xấu đều hơn tốt lõi" đôi khi chính là sự cản trở cho phát triển".

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh: “Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam”.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên, đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả. Phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: “Chúng ta đã nói nhiều tới sự phát triển chậm trễ, những món "nợ lịch sử" mà sớm muộn chúng ta phải trả (như công nghiệp hóa chẳng hạn). Nhưng xét về nhiều phương diện, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, sự chậm trễ đó đang tạo cho chúng ta một lợi thế, lợi thế của người đi sau”.

Những nước công nghiệp hóa sau không chỉ có điều kiện đi tắt, đón đầu về công nghệ hiện đại hóa mà còn có đầy đủ kinh nghiệm của các nước đi trước để học tập. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn trên phương diện bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là chúng ta vẫn còn kịp, nếu như có được sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế.

 

Đảng ta đã xác định rất đúng vai trò và mục tiêu của văn hóa trong tương lai khi xác định xây dựng văn hóa là nhiệm vụ lâu dài, của toàn dân trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ và trí thức giữ vai trò nòng cốt. Đã nhìn thấy điều này rồi thì làm sao biến nó thành thực tiễn vì Đảng đang lãnh đạo tuyệt đối. Làm được điều đó thì đất nước sẽ phồn vinh và hùng cường.

Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - PGS.TS Phạm Quang Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần