Phát huy sức mạnh quốc tế để bảo vệ an ninh hàng hải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất khu vực châu Á Shangri - La, phía Mỹ khẳng định, các nước cần tăng cường hợp tác để tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong phiên khai mạc Hội nghị Shangri - La (3/6), Trung Quốc bất ngờ lớn tiếng cáo buộc các định nghĩa Philippines sử dụng trong vụ kiện Biển Đông. Trung Quốc nhắm đến lập luận từ Philippines trong vụ kiện đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những định nghĩa của Philippines nhằm đánh lạc hướng mục tiêu thật sự của phiên tòa, qua đó phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngay trước thềm hội nghị, truyền thông Trung Quốc đưa tin về ý định thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Bắc Kinh dường như không e ngại trước việc những hành vi này sẽ trở thành đề tài bị đem ra mổ xẻ tại Đối thoại Shangri - La năm nay.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi các nước châu Á hợp tác chặt chẽ để bảo vệ an ninh hàng hải.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi các nước châu Á hợp tác chặt chẽ để bảo vệ an ninh hàng hải.
Hội nghị năm nay diễn ra chỉ vài tuần trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra tuyên bố về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Theo Bill Hayton - tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở châu Á”, Trung Quốc đuối lý hơn với hơn một nửa trong tổng số 15 điểm mà Philippines đệ đơn kiện lên PCA và để cứu vãn tình hình. Do đó, Bắc Kinh vẫn đang lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền thiếu căn cứ này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi PCA ra phán quyết bất lợi thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ không vì thua kiện mà từ bỏ tham vọng kiểm soát tuyến đường biển quan trọng của thế giới.

Nhận định về việc này, Thượng nghị sĩ (TNS) Mỹ John McCain khẳng định, Bắc Kinh sẽ đối diện “chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế” nếu phớt lờ phán quyết trên. Mỹ cùng đồng minh sẽ có hành động để Trung Quốc thấy, những hành vi ngang ngược trên Biển Đông sẽ tự làm tổn thương Bắc Kinh thay vì những quốc gia khác. Một trong những hành động đó là thúc đẩy thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia, nhưng không có sự tham gia của Bắc Kinh. Ông John McCain cũng thúc giục các quốc gia châu Á hợp tác chặt chẽ hơn về cả quân sự và kinh tế để bảo vệ an ninh hàng hải. Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ sẽ tiếp tục “duy trì cân bằng quân sự” trong khu vực và đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Shangri-La năm 2015 đã tuyên bố, bất kỳ giải pháp nào đối với vấn đề Biển Đông được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế là hợp pháp và bền vững. Nếu một nước nào đó chỉ coi “sức mạnh mang lại sự đúng đắn” thì điều đó sẽ tạo nên một tiền tệ xấu cho việc giải quyết các vấn đề khu vực. Đây chắc chắn sẽ là điều mà các đại biểu tham gia Đối thoại Shangri - La năm nay phải suy nghĩ nghiêm túc và đưa ra biện pháp hành động cụ thể.