Tiên phong sản xuất lúa hàng hóaThực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, xã Tam Hưng đưa vào sản xuất 100ha giống lúa Bắc thơm số 7, từ đó đến nay diện tích lúa hàng hóa của xã hàng vụ, hàng năm đều tăng năm sau cao hơn năm trước, năng suất bình quân từ 11 – 12 tấn/ha/năm, cho thu nhập cao hơn so với giống lúa thường từ 20 – 25%. Đến nay, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm từ 70 – 80% diện tích đất nông nghiệp của xã.
Nhằm tiếp tục duy trì, phát triển bền vững chuỗi lúa gạo, từ nay đến năm 2020, xã Tam Hưng đẩy mạnh phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm từ 30 - 50% diện tích đất nông nghiệp của xã, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo của địa phương.Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên |
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay, để tiếp tục duy trì phát triển và mở rộng những giống lúa có giá trị kinh tế, năng suất, đảm bảo về chất lượng, vụ Mùa năm 2012, HTX đã mạnh dạn đưa giống lúa Nếp cái hoa vàng vào sản xuất thử nghiệm 50ha tại cánh đồng thôn Song Khê. Từ năm 2013, xã mở rộng diện tích lúa Nếp cái hoa vàng lên 100ha, đến năm 2014 – 2015 là 150ha, cho năng suất bình quân đạt từ 52 – 55 tạ/ha, thu nhập từ 80 – 85 triệu đồng/ha/vụ.
Năm 2014, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, HTX đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” với mong muốn khi có thương hiệu sẽ thu hút được các DN đầu tư tiêu thụ sản phẩm gạo đảm bảo an toàn chất lượng. Nhờ nỗ lực phát huy giá trị của nhãn hiệu tập thể, sản phẩm gạo của Tam Hưng đã khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.
Kiểm soát chặt chẽ các khâuXã Tam Hưng cũng là một trong những mô hình đầu tiên của TP Hà Nội phát triển chuỗi lúa gạo. Vụ Xuân năm 2018, HTX liên kết với các DN từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: Liên kết với Công ty CP Giống cây trồng T.Ư triển khai gieo cấy 50ha lúa Đài thơm 8 và 30ha lúa Bắc hương 9; liên kết với Công ty CP Gạo Bảo Minh gieo cấy 20ha bằng giống lúa Tám hương sen (nhóm Japonica) và 30ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau thu hoạch, các DN đã thu mua hơn 700 tấn thóc tươi cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã liên kết với một số DN như: Công ty TNHH Đông Sơn, Công ty Thái Sơn, Công ty Trần Kim, Công ty Nicotex để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo cho nông dân.
Từ hai năm nay, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy xay xát, đánh bóng, lọc tạp chất, tách màu nên chất lượng gạo thành phẩm được nâng cao hơn trước. Hiện, gạo thơm Bối Khê sau xay xát được đóng gói có logo, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng, với giá bán 30.000 đồng/kg gạo Nếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo Bắc thơm số 7. Đáng chú ý, HTX đang cung cấp sản phẩm gạo cho các bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn huyện.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa, chuỗi lúa gạo của xã Tam Hưng đang phát triển đúng định hướng của ngành nông nghiệp Hà Nội. Việc phát triển chuỗi đã góp phần kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống đến thu hoạch, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua việc phát triển chuỗi, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường.