70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển các khu nhà ở, đô thị: Chú trọng kiện toàn hạ tầng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Nhưng việc thiếu hạ tầng cơ sở đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu hạ tầng cơ sở

Trong Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội sẽ triển khai 219 khu nhà ở, khu đô thị. Trong đó, 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu mét vuông sàn, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700 m2 sàn, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Việc phát triển các khu nhà ở, khu đô thị nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở trên địa bàn thời gian gần đây. Bởi thực tế, nguồn cung BĐS thông qua các dự án nhà ở năm 2022 giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và 56% diện tích sàn xây dựng; lượng giao dịch chỉ đạt 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Riêng phân khúc nhà ở thấp tầng gần như không có giao dịch do giá bán cao.

Đáng chú ý, nguồn cung sản phẩm chủ yếu từ những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước, những dự án được cấp phép mới quy mô rất nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành.

Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay đó là thiếu hạ tầng cơ sở ở những dự án khu nhà ở, khu đô thị. Tình trạng này khiến nhiều khu nhà ở được xây dựng lên nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, không có cư dân đến ở, có thể điểm danh như: khu đô thị Lideco Trạm Trôi, khu biệt thự Vườn Cam, khu biệt thự Hoa Phượng... hay ngay cả những khu nhà ở gần với khu đô thị lớn cũng trong tình trạng tương tự, như Nam An Khánh, Thiên đường Bảo Sơn...

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại phiên họp giải trình với Thường trực HĐND TP về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn vào cuối năm 2022, trong số 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô diện tích từ 2ha trở lên, tập trung ở quận mới thành lập và các huyện đang triển khai đề án phát triển thành quận, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm 63%.

Một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định, hay khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực, như: dự án khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) triển khai từ cách đây 20 năm, nhưng chưa hoàn thành đường nội khu số 1; Khu đô thị mới C2 Gamuda (Hoàng Mai), còn tuyến đường phía bắc có mặt cắt 30m nhiều năm chưa được triển khai do chồng lấn Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Khu nhà ở Đặng Xá 1, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khu nhà ở Đặng Xá 1, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cần giải pháp theo hướng thông minh hóa đô thị

Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm, thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng…

Theo Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, để khắc phục tình trạng nêu trên cần giải quyết vấn đề theo hướng thông minh hóa đô thị.

Trước hết, phải tuân thủ quy hoạch, tránh tình trạng sau khi hoàn thành quy hoạch chi tiết lại điều chỉnh quy hoạch phân khu; Hạn chế điều chỉnh các quy hoạch cấp trên, khi điều chỉnh phải được các cấp xem xét rất kỹ lưỡng, tránh tình trạng thu hẹp quy mô hoặc hủy bỏ…

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, để đảm bảo tính xuyên suốt và thống nhất, yếu tố thông minh phải được đưa ngay từ khi nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chuyên ngành ở nhiều mức như: quy hoạch chung toàn TP, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết...

Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung, theo quan điểm mới về chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm cơ sở để phát triển ứng dụng quản lý, hỗ trợ ra quyết định, giúp lãnh đạo các cấp giám sát điều hành, quản lý một cách tổng thể, cho phép chia sẻ dữ liệu cho phát triển đô thị thông minh, giúp DN tạo ra dịch vụ mới…

“Một trong những nội dung quan trọng là phải xây dựng được các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về đô thị và đô thị thông minh, không chỉ để đánh giá mà còn nhằm kiểm soát và xác định những yêu cầu đối với khả năng liên thông, liên tác của những giải pháp công nghệ riêng cũng như việc tích hợp các thành phần trong đô thị” - ông Lưu Quang Huy nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS. KTS Vũ Hoài Đức - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Thủ đô cần thay đổi tư duy theo hướng tăng cường đầu tư xây dựng công trình phúc lợi xã hội, công trình khoa học kỹ thuật, phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội... thay vì chỉ chú trọng đầu tư công trình phục vụ lợi ích kinh tế.

 

Theo kế hoạch, năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư và đơn vị có liên quan, tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng và thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với khu đô thị.