Với mạng lưới sông ngòi chằng chịt chạy qua các tỉnh, TP, vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực Đồng bằng sông Hồng được kỳ vọng sẽ là phương thức vận tải quan trọng để "chia lửa" với đường bộ.
Tuy nhiên, sự phát triển không tương xứng, sự đầu tư "lệch pha" trong nhiều năm khiến vận tải ĐTNĐ trong khu vực ngày càng yếu kém. Làm thế nào phát triển vận tải ĐTNĐ là vấn đề được chỉ ra tại cuộc họp do Bộ GTVT tổ chức chiều 5/8.
Chủ yếu vẫn là tàu chở… cát
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), vận tải ĐTNĐ khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện vẫn ở mức nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm và trong giai đoạn 2008 - 2013, vận tải ĐTNĐ có dấu hiệu giảm sút. Theo thống kê gần đây nhất, loại hình vận tải ĐTNĐ chiếm từ 15 - 17% tổng vận tải cả nước. Trong đó, vận tải ĐTNĐ khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ cao nhất khoảng 20%, tuy nhiên, nếu bóc tách ra thì không đáng bao nhiêu, bởi lượng lớn hàng hóa vận chuyển chủ yếu là cát.
Vận tải đường thủy nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư đúng mức. Trong ảnh: Tàu vận tải cát trên sông Hồng. Ảnh: Vĩnh Cát
|
Đại diện Cảng Việt Trì cho biết, các bến thủy nội địa Đồng bằng sông Hồng đang phát triển rất nhanh nhưng chủ yếu là tự phát. Hiện, khu vực này có hàng ngàn bến thủy nội địa, nhưng phần lớn do người dân tự lập, không theo quy định và quy hoạch. Chính điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến luồng chạy tàu, độ an toàn của các phương tiện lưu thông trên tuyến. Cũng theo đại diện Cảng Việt Trì, tính từ tháng 4 đến nay, mặc dù công tác kiểm soát trọng tải xe được đẩy mạnh nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vận tải thủy vẫn giảm. Lý giải về nghịch lý này, đại diện cảng Việt Trì cho hay, việc kiểm soát trọng tải xe hầu như chỉ diễn ra trên các tuyến quốc lộ mà bỏ qua những tuyến đường ngang. Điều này khiến vận tải ĐTNĐ không đủ sức cạnh tranh với đường bộ ở những tuyến có cự ly ngắn. Thêm vào đó, sự kết nối giữa đường thủy và đường sắt mặc dù có nhưng chưa cao, lượng hàng hóa đổ về cảng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đại diện các DN vận tải thủy, các cảng và một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ vận tải ĐTNĐ gặp khó là do chưa được đầu tư đúng mức; Việc nạo vét sông, ngòi dù diễn ra thường xuyên nhưng chủ yếu để đảm bảo việc tiêu thoát lũ; Thủ tục thông quan rườm rà, thiếu thống nhất trong việc quản lý hoạt động của tàu biển pha sông và tàu sông pha biển; Nhiều cây cầu có độ thông thủy chưa đáp ứng được nhu cầu của tàu thuyền như cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Nhánh (Hà Nam… khiến vận tải thủy nội địa gặp khó.
Sẽ phân bổ lại nguồn vốn đầu tư
Lý giải về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của đường bộ luôn đạt từ 9 - 15%. Sở dĩ đường bộ đạt được những kết quả như vậy bắt nguồn từ những lý do mang tính xã hội. Cụ thể, vận tải đường bộ có phương tiện nhỏ dễ dàng đi đến mọi nơi; tính kết nối giữa chủ hàng và đơn vị vận tải cao so với các phương thức vận tải khác.
Sông Hồng là tuyến đường vận tải quan trọng, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Phạm Hùng
|
Thậm chí, nhiều DN sẵn sàng "đi đêm" để giành quyền vận chuyển. Trong khi đó, ĐTNĐ nhiều phương tiện quy mô lớn, DN còn mang tính Nhà nước, chưa chú trọng đến việc tiếp cận chủ hàng, nguồn hàng. Cũng theo ông Quyền, để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT cần sớm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch hàng hóa, để DN, chủ hàng phân tích từng loại hình, thời gian, giá cước vận tải, từ đó có lựa chọn hợp lý.
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến việc phát triển vận tải ĐTNĐ để góp phần tái cơ cấu ngành vận tải, tạo ra sự phát triển lành mạnh, hài hòa, giảm chi phí vận tải, đem lại hiệu quả cho DN. Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai Luật Đường thủy nội địa (sửa đổi) vừa được thông qua để thu hút các nguồn lực kinh tế tham gia vận tải. Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành vận tải, tập trung phân bổ nguồn vốn đầu tư sao cho hài hòa, tránh tình trạng đầu tư lệch, mất cân đối như hiện này. Trước mắt, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để xử lý những luồng tuyến, cầu đang có vấn đề để tạo sự liên thông. "Bộ sẽ báo cáo Chính phủ tạo những cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các DN, các địa phương trong việc xây dựng, nạo vét các luồng cảng. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có cơ chế thúc đẩy các DN tham gia phát triển hạ tầng. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, tạo liên danh, liên kết phát triển cảng nội địa, trang bị các thiết bị bốc xếp hàng hiện đại đảm bảo nhu cầu của các DN" - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.