Điểm sáng Hà Đông, Thanh Xuân
Tại làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông), Hợp tác xã Vụn Art là một trong những cơ sở đã có nhiều đổi mới trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Ban lãnh đạo, thành viên hợp tác xã đã chủ động đưa chất liệu lụa truyền thống vào các dòng sản phẩm tiêu dùng.
Đơn vị này hiện có 4 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 4 sao trong Chương trình OCOP gồm: Áo phông ghép lụa Vạn Phúc, túi vải thô ghép lụa Vạn Phúc, kit ghép tranh và tranh ghép vải.
Cùng với nỗ lực của Hợp tác xã Vụn Art, tại quận Hà Đông còn có 4 chủ thể khác tích cực tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, trên địa bàn quận này đã có tổng số 21 sản phẩm được cấp sao OCOP, tập trung chủ yếu vào nhóm các sản phẩm dệt may mặc, đồ uống…
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Vụn Art được giới thiệu, quảng bá tại một hội chợ tổ chức tháng 6/2020 ở Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Quận Thanh Xuân cũng là địa phương rất chủ động trong việc triển khai Chương trình OCOP. Hiện, đã có 1 hộ kinh doanh thực phẩm sạch tại phường Khương Đình phát triển được 12 sản phẩm OCOP. Trong đó, có tới 6 sản phẩm được cấp 4 sao và 6 sản phẩm còn lại được đánh giá 3 sao. Điều đáng nói, Hà Đông và Thanh Xuân là hai địa phương không đăng ký kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2019, tuy nhiên vẫn tích cực rà soát, khuyến khích các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP đạt kết quả đáng khích lệ.
Tiềm năng lớn cần khai thác
Theo đánh giá, 12 quận nội thành có nguồn sản phẩm OCOP rất lớn. Tại các quận hiện có 14 làng có nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; 32 hợp tác xã hoạt động tốt, khá; 636 sản phẩm đã được cấp mã truy xuất (QR Code). Đây là tiềm năng rất lớn để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, TP chỉ đặt chỉ tiêu phát triển sản phẩm OCOP cho các huyện, thị xã. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Văn phòng đã yêu cầu các quận rà soát để đưa vào kế hoạch.
Qua quá trình rà soát, đến nay đã có 11/12 quận đăng ký phấn đấu có 59 sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Dù số lượng chỉ chiếm tỷ lệ 7,6% tổng số OCOP kế hoạch năm 2020 của toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã, tuy nhiên những sản phẩm này có tiềm năng được đánh giá cao do hầu hết là các sản phẩm tinh túy, có chất lượng và đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Thủ đô.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đề nghị các quận quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tư vấn các chủ thể phát triển, nâng cấp tiêu chí đánh giá các sản phẩm đã đăng ký. Đồng thời, tiếp tục rà soát các chủ thể tiềm năng có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm đã được cấp thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, đã được xuất khẩu và tiêu thụ rộng rãi...
"Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP. Cùng với đó hỗ trợ tư vấn đánh giá, hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm của các địa phương, bảo đảm đủ điều kiện để Hội đồng TP phân hạng, cấp sao…" - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí |